- 01-Pháp Hội Nhân Do
- 02-Thiện Hiện Khải Thỉnh
- 03-Đại Thừa Chánh Tông
- 04-Diệu Hạnh Vô Trụ
- 05-Như Lý Thật Kiến
- 06-Chánh Tín Hy Hữu
- 07-Vô Ðắc Vô Thuyết
- 08-Y Pháp Xuất Sanh
- 09-Nhất Tướng Vô Tướng
- 10-Trang Nghiêm Tịnh Ðộ
- 11-Vô Vi Phước Thắng
- 12-Tôn Trọng Chánh Giáo
- 13-Như Pháp Thọ Trì
- 14-Ly Tướng Tịch Diệt
- 15-Trì Kinh Công Ðức
- 16-Năng Tịnh Nghiệp Chướng
- 17-Cứu Kính Vô Ngã
- 18-Nhất Thể Ðồng Quán
- 19-Pháp Giới Thông Hoá
- 20-Ly Sắc Ly Tướng
- 21-Phi Thuyết Sở Thuyết
- 22-Vô Pháp Khả Ðắc
- 23-Tịnh Tâm Hành Thiện
- 24-Phước Trí Vô Tỷ
- 25-Hóa Vô Sở Hóa
- 26-Pháp Thân Phi Tướng
- 27-Vô Ðoạn Vô Diệt
- 28-Bất Thọ Bất Tham
- 29-Uy Nghi Tịch Tĩnh
- 30-Nhất Hiệp Tướng Lý
- 31-Tri Kiến Bất Sinh
- 32-Ứng Hoá Phi Chân
KINH KIM CANG
GIẢNG GIẢI
Hòa Thượng Thích Thanh Từ
ĐOẠN 31
ÂM:
TRI KIẾN BẤT SANH.
-Tu-bồ-đề! Nhược nhân ngôn: Phật thuyết ngã kiến,
nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Thị nhân giải
ngã sở thuyết nghĩa phủ?
-Phất dã Thế Tôn! Thị nhân bất giải Như Lai sở thuyết
nghĩa. Hà dĩ cố, Thế Tôn thuyết ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả
kiến tức phi ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến thị danh ngã
kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến.
-Tu-bồ-đề! Phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm
giả, ư nhất thiết pháp ưng như thị tri, như thị kiến, như thị tín giải, bất
sanh pháp tướng. Tu-bồ-đề! Sở ngôn pháp tướng giả, Như Lai thuyết tức phi
pháp tướng, thị danh pháp tướng.
DỊCH:
TRI KIẾN CHẲNG SANH.
- Này Tu-bồ-đề, nếu có người nói Phật nói ngã
kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao?
Người ấy hiểu nghĩa của ta nói chăng?
- Bạch Thế Tôn, không hiểu vậy. Người ấy không hiểu
nghĩa của Như Lai nói. Vì cớ sao? Thế Tôn nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh
kiến, thọ giả kiến, tức chẳng phải ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ
giả kiến, ấy gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến.
- Này Tu-bồ-đề, người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác, đối với tất cả pháp nên như thế mà biết, như thế mà thấy, như thế
mà tin hiểu, không sanh pháp tướng. Này Tu-bồ-đề, nói là pháp tướng đó, Như Lai
nói tức chẳng phải pháp tướng, ấy gọi là pháp tướng.
GIẢNG:
Trong phần này, trước tiên đức Phật phá ngã kiến,
nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến. Nhiều người đọc tụng trong kinh, thấy
đức Phật thường nói ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, do đó họ tưởng nói ngã,
nhân, chúng sanh, thọ giả là thật, và có cái hiểu về ngã, nhân, chúng sanh, thọ
giả thật v.v. Thế nên đức Phật bảo:
Nếu cho ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả
kiến là thật, là không hiểu nghĩa Phật nói. Tại sao? Bởi vì Phật nói ngã kiến,
nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, tức không phải ngã kiến, nhân kiến,
chúng sanh kiến, thọ giả kiến, ấy gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến,
thọ giả kiến. Như thế, tất cả bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, dù
trong kinh có nói, nhưng đức Phật nói không phải như phàm phu nói. Phàm phu nói
ngã là ngã thật, nhân là nhân thật, chúng sanh là chúng sanh thật, thọ giả là
thọ giả thật, tóm lại nói cái nào là thật cái ấy. Trái lại, đức Phật có khi nói
ta nói, nhưng chữ ta là ngã đó không giống như phàm phu. Ngài thấy rõ ngã,
nhân, chúng sanh, thọ giả chỉ là tướng duyên hợp hư giả, nên ngã kiến, nhân
kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến không phải ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh
kiến, thọ giả kiến. Thấy bốn tướng đó, nhưng bốn tướng đó không phải thật, vì
đó là tướng duyên hợp, vì trên giả danh người ta nói ngã, nói nhân, nói chúng
sanh, thọ giả thì Phật cũng phải nói như thế cho họ hiểu. Vì thế phải
thấy rõ chỗ Phật nói bốn tướng là hư giả không thật, chỉ có giả danh thôi.
Đến đây đức Phật muốn tóm kết lại cho những người tu cầu thành Phật hiểu biết đúng nghĩa Phật dạy nên Phật bảo: Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đối với tất cả pháp nên biết như thế, thấy như thế và tin hiểu như thế. Như thế nghĩa là thế nào? Thế giới không phải thế giới, ấy gọi là thế giới, chúng sanh không phải chúng sanh, ấy gọi là chúng sanh, ngã kiến không phải ngã kiến, ấy gọi là ngã kiến. Phải thấy như vậy, biết như vậy và tin hiểu như vậy thì mới có thể tiến tới quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trái lại nếu thấy có cái gì là thật, cố định thì không thể tiến đến đó, vì Phật là giác ngộ, nếu còn thấy các pháp thật là si mê thì làm sao giác ngộ được? Thế nên phải thấy đúng như vậy thì mới giác ngộ. Như thế là chẳng sanh pháp tướng tức là không khởi chấp, không thấy có một pháp tướng nào thật. Vừa nói pháp tướng, Ngài lại sợ người ta cho pháp tướng là thật, nên liền bác: Này Tu-bồ-đề, nói pháp tướng đó, Như Lai nói tức chẳng phải pháp tướng, ấy gọi là pháp tướng.
Tóm lại tất cả danh ngôn mà đức Phật lập ra, Ngài
đều bắt chúng ta phải thấy nó không có thật thể, chỉ có giả danh thôi, thấy rõ
như thế mới đúng trí tuệ Bát-nhã. Nếu còn một cái gì chúng ta cho là thật, là
chưa thấy đúng với tinh thần Bát-nhã. Như vậy chúng ta thấy Phật cố định là
thật hay không? Thấy thế nào cho đúng với tinh thần Phật dạy? Nếu nói chúng
sanh không phải chúng sanh ấy gọi là chúng sanh, thì Phật cũng phải nói: Phật
không phải Phật, ấy gọi là Phật, chớ nếu nói Phật thật thì cũng là không hiểu
Phật. Hiểu như thế mới thấy khi thì Phật bác danh từ chúng sanh, khi thì Phật
bác ngay cả danh từ A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Phật cũng nói không có sở
đắc, sở chứng. Tóm lại, Phật chỉ cho chúng ta thấy tất cả danh ngôn Phật lập ra
đều là không có thật thể, chỉ là giả danh, phải thấy hoàn toàn như thế mới là
đúng trí tuệ Bát-nhã. Nhiều khi chúng ta có cái bệnh là những danh từ thế gian
thì cho là giả, nhưng danh từ Phật, Bồ-đề, Giác ngộ, Như Lai . thì cho là thật.
Vì thế chúng ta phải thấy thấu đáo cả hai bên xuất thế gian và thế gian có lập
ra cũng đều là giả danh.