Phổ Nguyệt, Ph.D.
PHẦN MỘT
TRI KIẾN
CHƯƠNG BỐN
CƠ CẤU LÝ THUYẾT VỀ TRI KIẾN
I.-THEO KANT
(TC Triết 2, Karl
Jaspers, N.H.Liêm, 137-193)
Kant đưa ra một hệ thống lý thuyết về tri kiến rất phức tạp và sâu rộng.
1.- Tính lưỡng phân
(The Dichotomy):
Ý thức
(consciousness) tác động trong tính lưỡng phân giữa chủ thể suy thức (thinking
subject) và đối thể (thought object). Trong tri kiến, tôi phán đoán (judge) một
cách tự phát, nhưng không phải là trong khoảng không. Rằng trong tác năng suy
thức của tôi có một tính khách quan là nhờ tác năng nầy được chất chứa bởi trực
giác của cái gì đó có sẵn đưa đến cho tôi để tôi cảm nhận đến nó được. Do vậy,
có hai thành phần của tri kiến: tự phát (spontaneity) và tiếp cảm
(receptivity), hay là hiểu biết tri giác (understanding) và cảm quan
(sensibility).
2.- Cảm quan, Không,
Thời:
Hễ khi nào tôi
biết đến cái gì qua trực giác, cái gì đó đã đưa sẵn (given) cho tôi-Kant gọi
cái gì nầy là cảm quan (sensibility). Và trực giác không gì hơn mà chỉ là giác
quan. Và nếu không có cảm quan thì không có thực tại. Nó là nhân chứng cho
chúng ta nhận thấy được thực tại. Cảm quan không phải là một hệ thống của cảm
giác (sensation)-mà là, theo Kant, là thực tính vật thể (physical
actuality).Chúng ta hãy khai sáng vấn đề nầy qua tỷ dụ sau:
Đối thể là cái bàn
trước mặt. Chúng ta tiếp nhận nó, qua cảm giác, một cách tự khởi: màu, ánh
sáng, bóng. Nếu ta bỏ hết tất cả những cái liên hệ đến giác quan, chúng ta vẫn
còn có thể tướng (form) và trương độ (extension), hay là spatiability (thực tại
không gian). Khoảng không gian nầy thuộc về trực giác vì nó không được cảm nhận
bởi một cơ năng cảm giác nào cả. Dĩ nhiên, cái bàn nầy không những chỉ thuộc về
cảm giác và không gian. Nó còn là một thể trạng khách quan tự hữu-khi cái bàn
tồn hữu cho tôi chỉ khi qua tác động đối chọi mà trong đó giác quan và không
gian trở thành một yếu tố của đối thể nầy. Ngoài ra, cái bàn nầy còn mang một
nội chất (substance), ví dụ lực cản tự hữu từ vật thể. Như thế, cái bàn có ba
yếu tố: cái của cảm giác; không gian như là hình thức của trực giác; và phạm
trù của nội chất. Chúng không điều hợp lẫn nhau, mà cái nầy nằm trong cái kia,
cái kia bao hàm cái nọ.
Với một thủ tục như
thế, chúng ta không phải là đang phân tích cái bàn mà chỉ là nghiên cứu bản
chất khách quan của nó như là một đối thể cho kiến thức: cảm giác, vị thế
không-thời, trực giác và phạm trù. Tất cả các yếu tố trên có thể tách rời ra
khỏi giác quan, ngoại trừ yếu tố không-thời, vốn là thuần thể tướng (pure
forms).
Từ đó, câu hỏi phải
được nêu lên: Có phải không và thời là thực tính tự hữu-vốn tồn hữu ngay cả khi
không có một chủ thể biết đến, nghĩa là một thực tại tuyệt đối? Hay chúng chỉ
là thể trạng của trực giác phát xuất từ chủ thể, mà từ đó kiến tạo nên đối thể,
hay là, nếu không có chúng (forms) thì đối thể không thể tồn hữu? Có phải thực
tại không và thời tùy thuộc vào chủ quan? Theo Kant thì ông nghiêng về vế thứ
nhì bằng cách chứng minh rằng: (a) Không gian không thể được rút ra khỏi kinh
nghiệm, bởi vì, tự khởi thủy, nó nằm ngay nền tảng của kinh nghiệm và là điều
kiện căn bản cho sự hữu của đối thể cho tôi. Do đó, (b) không gian là một trực
giác tiên nghiệm, a priori intuition, thiết yếu. Chúng ta không thể hình dung
ra một đối thể mà không có một không gian; nhưng chúng ta có thể hình dung ra
không gian mà không cần đến đối thể. Và (c) sự phân chia không gian (divisions)
không gian không thể là tiên quyết (precede) không gian như là những cơ phận
của nó vốn được hợp nhất vào với nhau, mà chúng bao gồm lẫn nhau.
Kế đến, Kant đưa ra một
cơ chế lý giải qua bằng chứng (prơof): Trong hình học, chúng ta biết a priori
đến những liên hệ áp dụng được vào thực tại-không bằng duy khái niệm, mà bằng
mô giới trực giác. Những thông tuệ (insight) về hình học không được từ kinh
nghiệm nhưng lại được kiểm chứng bằng kinh nghiệm. Làm sao có được chuyện nầy?
Chủ thể, bằng thể trạng trực giác, nhận ra một thực tế vốn đã được kiến tạo bởi
nó. Từ đó, Kant kết luận: không gian không phải là thuộc tính (attribute) của
một cái gì tự nó (thinh in itself), nhưng chỉ là một cái gì khi nó trình diện
ra cho đối thể, có nghĩa rằng, nó chỉ là nó là một hiện tượng (phenomena). Và
chúng ta loại bỏ hết tất cả những điều kiện của trực giác thì không gian sẽ
không tồn hữu (đối với chúng ta). Và chỉ có từ quan điểm con người mà chúng ta
mới có thể nói đến không gian.
Còn vấn nạn của Thời? Khác với không gian, vốn là thể dạng của trực giác cho cái bên ngoài, Thời là thể trạng của cái bên trong (inner sense) và bao gồm tất cả các hiện tượng. Chúng ta không thể biểu hiện Thời cho chính nó bằng thể dạng bên ngoài-ngoại trừ chúng ta phải dựa vào không gian, ví dụ như vẽ biểu đồ Thời thể bằng một gạch ngang từ t1 đến t2.
Quan điêm như trên của Kant về Không và Thời- như là thể trạng của trực giác về vật thể, mà không là thực tại tự hữu-được gọi là duy tâm luận (idealism). Dĩ nhiên, Kant không phải là triết gia khởi đầu cho trường phái duy tâm. Trước đó, có kẻ cho rằng thế giới nầy chỉ là ảo giác, không thật. Kant tố cáo quan điểm đó và cho nó là scandal triết học. Theo Kant, thế giới là thể hiện (appearance), chứ không phải là ảo tưởng (illusion). Hay nói một cách khác: Không và thời có hữu tính và giá trị thực chuẩn (validity) khách quan với những đối thể đến với chúng ta, cũng như có giá trị nội tại đối với năng lực chủ quan. Chúng có lý tưởng tính (ideality) bởi vì những gì biểu hiện cho chúng ta không phải là cái gì tự chúng nó (thing in-itself). Kant nói, Không và thời có thực tại nghiệm thể (empiric reality), nhưng, (với) lý tưởng tính siêu nghiệm (transcendental ideality). Bởi vì sao? Theo Kant, và đây là chủ thuyết quan yếu của ông, cái thực tính tự hữu, the thing in-itself (ding un-sich), không thể nào thể hiện ra cho chúng ta.
3.- Suy Tưởng
(Thinking):
Đối với Kant thì
không, thời và vật thể đưa đến cho giác quan tất cả chỉ là một yếu tố cho kiến
thức, cái yếu tố khác là tư tưởng (thought). Tất cả những thể thức của tư tưởng
chỉ có thể cho chúng ta nhận thấy sự vật như là nó thể hiện chứ không phải là
tự tính của nó. Lý do là khi chúng ta có được một trật tự cảm quan, qua thể
thức chủ quan của trực giác, không và thời, từ đó chúng ta sản xuất ra những
hình thái vật thể từ kinh nghiệm bằng thể thức chủ quan của suy tưởng. Thể thức
cho suy tưởng nầy là những phạm trù (categories). Phạm trù là cái khuôn mà
chúng ta kiến tạo nhằm cai quản những thể dạng cho suy thức- bất cứ đối thể nào
tồn hữu cho chúng ta. Vì vậy, cấu trúc phạm trù trong suy thức tạo ra một hiện
hữu của đối thể chỉ thuần trên phương diện hiện tượng. Cái gì mà ta nhận biết,
cảm quan được, phải qua những khuôn thức chủ quan- những phạm trù của suy
tưởng. Và bất cứ cái gì có thể tồn hữu, mà thực ra là nó không thực sự tồn hữu
tự nó, qua khuôn thức trực giác và tư tưởng, đều là của thực tại nghiệm thực
(empirical reality).
Để khai sáng thêm
những tiền đề trên, Kant sử dụng hai khái niệm: analytic judgement (phán định
phân tích) và synthetic judgement (phán định dung hợp). Đây là hai chìa khóa
mới và căn bản cho hệ thống tri thức luận của Kant.
Jaspers tóm tắt
những suy luận của Kant như sau:
a. Suy tưởng là tác năng liên hợp (act of relating) của trực giác tới đối thể. Không có một đối thể nào mà không được nhận thức (cogitated); và không có suy tưởng vô đối thể (no thinking without an object). Trực giác không thôi thì chưa đủ để kiến tạo đối thể, mà cần tác năng của suy tưởng.
b. Sự tồn hữu của một đối thể tiên giả định (presupposes) sự phân định (differentiation). Một đối thể là đối thể nầy (định thể) chỉ khi nào nó không là một cái khác. Nhưng cùng lúc, mỗi đối thể tự nó là là một và cái khác; cái suy tưởng về nó tiên giả định một chủ thể và một thuộc tính. Do đó, suy tưởng liên tục phân chia và kết hợp.
c. Một đối thể được thống hợp trong tư tưởng là chỉ nhờ vào sự thống hợp của tác năng suy tưởng. Khi suy tưởng là khi thống hợp tất cả các biểu hiện về trong một ý thức (consciousness). Phán định là chức năng của sự thống hợp của sự biểu hiện.
d. Tất cả suy tưởng đều phải bao gồm cái Tôi suy nghĩ (I think) vốn phải có khả năng kèm theo tất cả những biểu hiện. Cái Tôi nầy vốn đồng tính với chính nó (identical with itself), tương ứng (corresponds) tới sự thống nhất của sự phán định và đối thể của nó. Tất cả suy nghĩ đều được chuyển động trong sự thống hợp nầy- mà tư tưởng sở dĩ có giá trị là nhờ vào nó. Sự thống hợp khách quan có căn bản từ một thống hợp chủ quan cao độ- cái mà Kant gọi là transcendental apperception (siêu cảm thức). Từ đó, phán định là phương pháp để đưa dữ kiện tri thức tới cho sự thống hợp khách quan của siêu cảm thức.
Chức năng quan yếu nầy được gọi là synthesis (dung hợp). Sự dung hợp nầy sản xuất ra tư tưởng theo thể thức của nó- và phát sinh ra khái niệm. Điều nầy trái với quan niệm thông thường cho rằng khái niệm đến bởi sự trừu tượng hóa những gì phổ quát từ những trường hợp thực nghiệm. Do đó, theo Kant thì những gì phổ quát (universal) trong nội dung tư tưởng là tác phẩm của sự dung hợp thực hữu (concrete synthesis).
e. Chỉ có trực giác cảm quan liên hệ trực tiếp, tức khắc đến đối thể. Khi trực giác trở nên đối thể, cái phổ quát, cái phạm trù, đi vào trong nó. Vì thế không có một đối thể nào của tri kiến được lãnh hội trực tiếp bởi chủ thể; tất cả phải được luôn luôn trung giải (mediated). Chúng ta chỉ suy tưởng tới một cái gì qua khái niệm. Kant đưa lên tiền đề cho lý giải nầy: Sự hiểu biết là discursive (suy giải), không phải là trực giác. Nó trải qua một chuỗi qua lại giữa những gì mà nó kết hợp; bằng phương cách hóa giải nó đi đến cái trực tiếp, nó biết qua khái niệm vốn không là cái đối thể cho chính nó.
4. Từ Phán Định Đến Phạm Trù:
Phạm trù là thể thức của suy tưởng (form of thought).Ví dụ như những khái niệm nội chất (substance) hay là nhân quả (causuality) là những phạm trù kiến lập (constructive categories). Khi một đối thể được sản xuất bởi suy tưởng, về cái thể của nó, thì phạm trù và thể thức phán định của nó quyết định lẫn nhau. Cả hai đều phát xuất từ một nguồn gốc trong cái Tôi suy nghĩ của siêu cảm. Những thể thức căn bản của phán định hướng dẫn nền tảng thể thức của phạm trù. Cái kiến lập thống nhất cho phán định cũng kiến lập sự thống nhất cho cho đối thể. Và từ đó mà Kant lấy các phạm trù ra từ các thể loại phán định. Từ cái nguyên lý tổng quan của tư tưởng, vốn nằm trong hệ thống thể thức của phán định, Kant muốn xác quyết những điều kiện tối hậu của tri thức, và từ đó để lấy ra những phạm trù vốn kiến tạo nên tất cả thực tại, cái thể thức cho mọi vật có thể xẩy ra cho chúng ta trong thế giới nầy.
Theo đó, Kant đưa ra những thể thức phán định (forms of judgement) sau đây- được giả định là có sẵn (given):
Lượng: Phổ quát universal),
đặc thể (particular), cá thể (individual);
Phẩm: Xác định
(affirmative), phủ định (negative), vô hạn (infinite);
Liên hệ (relational):
Phạm trù (categoric), hypotheric (giả thuyết), ly tiếp (disjunctive);
Thể thức (modal): Vấn
đề (problematic), quả quyết (assertoric), hiển nhiên (apodictic)...
Theo đó, thì Kant đưa
ra cấu trúc phạm trù như sau:
Lượng: Thống hợp
(unity), bội gia (multiplicity), phổ quát (universality).
Phẩm: Thực tại
(reality), phủ định (negation), giới hạn (limitation).
Liên hệ: Nội tính
(substance), nhân quả (causality), hỗ tương (reciprocity).
Thức thể (Modal): Khả
thể (possibility)- vô khả thể, tồn hữu (existence), vô tồn hữu, thiết yếu
(necessity)- ngẫu tính (contingency)...
5. Hai Phân Nhánh:
Cảm nhận
(sensibility) và Hiểu biết Tri Giác (Understanding).
Hệ thống tri thức học
của Kant nhấn mạnh đến ý tưởng căn bản: tri kiến (knowledge) phát xuất từ hai
phân nhánh: cảm nhận và hiểu biết tri giác. Từ cảm nhận, đối thể thì có sẵn, từ
hiểu biết thì đối thể được nhận thức (cogitated). Cảm nhận là một đống cảm giác
được kích thích, chưa được kiến tạo nên một trật tự. Còn hiểu biết chỉ có suy
tưởng, nếu không có gì đưa cho nó, thì tri kiến chưa thể tạo nên. Hiểu biết đòi
hỏi trực giác; trực giác đòi hỏi hiểu biết. Cả hai đều dung chứa yếu tố tiên
nghiệm tự hữu. Cái nầy phải dựa vào cái kia để có thể vươn ra khỏi tính chất
bất định tự tại nhằm chuyển hóa đến tri kiến. Có nghĩa rằng: Tư tưởng mà không
có nội dung là trống rỗng; trực giác mà không có khái niệm là mù tối.
Từ đó, đối thể của tri
kiến được kiến tạo từ chất liệu của trực giác và minh định bởi thể thức của
phạm trù. Chất liệu (matter) thì có sẵn, còn thể thức (form) phải được nhận
thức. Một đằng chúng ta có chủ thể, thể thức, tiên nghiệm thuần (pure); đằng
kia có đối thể, chất liệu, hậu nghiệm thực tế (empirical).
Đây thường bị hiểu lầm là một luận thuyết nhị nguyên. Nhưng Kant muốn nói lên một điều: dù là hai nhánh có vẻ phân biệt, nhưng cả hai đều được phát xuất từ một cội nguồn không thể biết đến. Nó là một bí mật- cái gốc rễ duy nhất vốn là cội gốc của ý thức và tri kiến.
6. Ý Thức (consciousness),Chứ Không Phải Sự Hữu (Being) là Khởi Điểm:
a. Sự Hữu và Ý Thức là cái gì? Jaspers phiên luận Kant: Muốn khai sáng được nghi vấn nầy, câu trả lời phải được bắt đầu từ sự nhìn vào sinh hiện của chúng ta- vốn là ý thức. Khai sáng ý thức là khai sáng tư duy vì cái sinh hiện của tôi là cái biết về cái khác và chính tôi. Trong sinh hữu, có cái mà tôi không thể suy nghĩ để vất bỏ (think away) chúng đi mà không phải hủy diệt chính sự tồn hữu: đó là khái niệm- cái mà đem thể thức cho đối thể. Không có gì là tồn hữu mà không có một sự giả định về thể thức suy tưởng. Jaspers viết, Chỉ có cái gì thuộc về phạm trù là bao hàm tất cả.
b. Suy tưởng bắt đầu bằng suy tưởng: Làm thế nào để bắt đầu trong vòng tròn không có điểm khởi đầu, không có lối ra? Chúng ta suy nghĩ để biết về suy nghĩ, suy thức để biết suy thức, nghĩa là chúng ta giả định suy thức để khai sáng suy thức. Kant bắt đầu từ kiến thức có sẵn. Khi chúng ta cho rằng cái gì là đúng, cái đúng đến từ sự phán định- và cái gì đưa đến cái đúng của phán định là tiến trình suy tưởng.
c. Giá trị khách quan của suy tưởng được đúc kết từ một phiên tòa án gồm nhiều phía muốn đưa lên những lý thuyết về tri kiến. Kant muốn vượt qua tất cả bằng một nhận thức sâu sắc mới: chúng ta biết đến sự vật bởi vì chúng ta sản xuất ra thể thức của chúng ta để qua ý thức chúng ta tạo giá trị cho tri kiến nầy. Vấn đề hòa hợp (concordance) đã được giải quyết.
d. Khái niệm về chủ
thể: Khi sự hữu, qua sinh hiện, là của ý thức- và ý thức là tri kiến, từ đó cái
gì mà ta biết được thì chỉ biết được trong một hoàn cảnh giới hạn của sinh hữu.
Chủ thể tri kiến (cogitive subject) là của ý thức- của suy tưởng tự phát, sự
thống nhất của tổng hợp trong tác hành suy tưởng, hay là siêu cảm thức
(transcendental apperception). Chủ thể nầy không phải là cá nhân mà là cái Tôi
suy tưởng. Từ đó, giá trị của phán định không đến từ quan điểm vô căn cứ mà là
từ khái niệm đã có sẵn trong chủ thể Tôi suy tưởng nầy. Chủ thể ý thức không
thể là một đối thể cho sự quan tâm lý thực nghiệm. Năng động suy tưởng nầy, cái
ý thức về cái Ta suy tưởng nầy không thể được điều tra, giảo nghiệm- mà chỉ có
thể được cảm nhận qua tự vững chắc (self certainty). Tôi, cái chính tôi nầy, trong
tri kiến, là ý thức- vốn biết, nhưng cái sự biết nầy không thể được biết đến
như là một đối thể khách quan. Trong cái biết, tri kiến và sự hữu không hề phân
biệt nhau- cả hai chính là một.
Do đó, Jaspers. Phiên
giải, điều sai lầm là quan điểm cho rằng tất cả sinh hữu bao gồm hai lãnh vực:
khách thể và chủ thể. Điều nầy đúng với những đối thể tri kiến, nhưng không thể
áp dụng đến nguồn cội của ý thức và tri kiến. Tôi ý thức được là tôi biết nhưng
tôi không thể quan sát cái tôi biết nầy- mà tôi chỉ có thể chắc chắn rằng tôi
đang biết mà thôi.
Nhưng cái sinh hữu
thực nghiệm của cái Tôi suy tưởng trong thời thể (time) phải được phân biệt ra
khỏi cái Tôi suy tưởng bất biến, vượt thời thể. Cái ý thức về ta nầy không phải
là một đối tượng cho trực giác thời tại (temporal intuition)- khi mọi trực giác
đều tùy thuộc vào thời tính. Không có một thứ trực giác tri thức (intellectual
intuition) để có thông đạt được cái Ta suy tưởng bất diệt nầy. Kant, khi nói
đến bầu trời đầy sao sáng bên trên và quy pháp đạo đức bên trong chính mình,
phát biểu, Tôi liên đới đến với chúng một cách trực tiếp bằng ý thức về cái tồn
hữu của chính tôi.