NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp
Quyển II:
Quy Y Tam Bảo (TISARANA)
CHƯƠNG IV: QUY Y TAM BẢO (TISARAṆA)
TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHÉP QUY Y TAM BẢO
Phép quy y Tam Bảo có một tầm quan trọng trong Phật giáo.
* Tầm quan trọng ấy như thế nào?
Phép quy y Tam Bảo để trở thành vị Sadi, vị Tỳ-khưu.
Phép quy y Tam Bảo để trở thành vị Sadi.
Phép quy y Tam Bảo để trở thành người cận sự nam, cận sự nữ.
1- Phép quy y Tam Bảo để trở thành vị Sadi, vị Tỳ-khưu như thế nào?
Trong thời kỳ đầu Phật giáo phát triển, chư Tỳ-khưu Tăng toàn là bậc Thánh Arahán số lượng rất ít, nên Đức Phật cho phép mỗi vị Tỳ-khưu, đi mỗi con đường để thuyết pháp tế độ chúng sinh, truyền bá Phật giáo, hai vị Tỳ-khưu không nên đi cùng chung một con đường.
Một vị Tỳ-khưu đi thuyết pháp tế độ chúng sinh, có số người phát sinh đức tin trong sạch, có ý nguyện muốn xuất gia trở thành Sadi, Tỳ-khưu. Vị Tỳ-khưu ấy dẫn giới tử về hầu Đức Phật, xin phép xuất gia trở thành Sadi, Tỳ-khưu. Có những miền xa xôi Tỳ-khưu vất vả dẫn giới tử về hầu Đức Phật, xin phép xuất gia. Cho nên, Đức Phật cho phép Tỳ-khưu rằng:
“Anujanāmi Bhikkhave, imehi tīhi saraṇagamanehi pabbajjaṃ upasampadaṃ”.
“Này chư Tỳ-khưu, Như Lai cho phép thọ Sadi, Tỳ-khưu bằng cách cho thọ phép quy y Tam Bảo”.
NGHI THỨC THỌ SADI - TỲ KHƯU
Giới tử có ý nguyện muốn thọ Sadi, Tỳ-khưu, trước tiên phải cạo tóc, râu, mặc y cāsa màu lõi mít, để chừa vai bên phải vào đảnh lễ Thầy tế độ, xong ngồi chồm hổm chắp hai tay để ngang trán, xin thọ phép quy y Tam Bảo bằng tiếng Pāḷi.
Vị Thầy tế độ (upajjhāya) hướng dẫn phép quy y Tam Bảo bằng tiếng Pāḷi trước, giới tử thọ phép quy y Tam Bảo, lặp lại đúng từng chữ, từng câu theo vị Thầy tế độ như sau:
Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dhamma ṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Sa ṃgham saraṇaṃ gacchāmi.Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Dhamma ṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Sa ṃgham saraṇaṃ gacchāmi.Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Dhamma ṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Sa ṃgham saraṇaṃ gacchāmi.
Khi giới tử lặp lại đúng từng chữ từng câu theo vị Thầy tế độ, giới tử thọ phép quy y Tam Bảo đầy đủ 3 lần xong, giới tử ấy chính thức trở thành Sadi-Tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.
Đó là cách thọ Tỳ-khưu bằng cách thọ phép quy y Tam Bảo (Saraṇagamanū-pasampadā).
Trải qua một thời gian sau, Phật giáo càng ngày càng phát triển, Tỳ-khưu càng ngày càng đông. Cho nên, Đức Phật truyền dạy chư Tỳ-khưu được biết rõ, từ đó về sau, bỏ cách xuất gia thọ Tỳ-khưu bằng cách thọ phép quy y Tam Bảo. Đức Phật cho phép xuất gia thọ Tỳ-khưu bằng cách tụng một lần Tuyên ngôn (Ñatti) và tiếp theo tụng 3 lần Thành sự ngôn (Kammavācā) gọi là ñatticatutthakammavācā..
Đức Phật dạy như sau:
“Yā sā Bhikkhave, mayā tīhi saraṇagamanehi upasampadā anuññātā, taṃ ajjatagge paṭikkhipāmi.
Anujānāmi Bhikkhave, ñatticatutthena kammena upasampādetuṃ”.
“Này chư Tỳ-khưu, trước kia, Như Lai cho phép thọ Tỳ-khưu bằng cách thọ phép quy y Tam Bảo, kể từ nay về sau, Như Lai bỏ cách thọ Tỳ-khưu ấy.
Này chư Tỳ-khưu, Như Lai cho phép thọ Tỳ-khưu bằng cách tụng 1 lần Ñatti: Tuyên ngôn và tiếp theo tụng 3 lần Kammavācā: Thành sự ngôn”.
Cách thọ Tỳ-khưu bằng cách tụng 1 lần Tuyên ngôn và tiếp theo tụng 3 lần Thành sự ngôn Pāḷi gọi là: Ñatticatutthakammūpasampadā.
Cách thọ Tỳ-khưu này bắt đầu từ Ngài Đại đức Rādha và được lưu truyền mãi cho đến ngày nay. Hiện nay các nước Phật giáo theo truyền thống Theravāda như nước Srilankā, nước Myanmar, nước Thái lan, nước Campuchia, nước Lào, Phật giáo Nguyên thuỷ tại Việt Nam v.v... nghi thức lễ xuất gia thọ Tỳ-khưu hầu như giống hệt nhau về nghi thức thọ Tỳ-khưu tụng 1 lần Ñatti: Tuyên ngôn và tiếp theo tụng 3 lần Kammavācā: Thành sự ngôn, hoàn toàn bằng tiếng Pāḷi.
2- Phép quy Tam Bảo để trở thành vị Sadi như thế nào?
Người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nhận thức đời sống tại gia có nhiều điều ràng buộc, khó có thể hành phạm hạnh cao thượng, nên người ấy có ý nguyện từ bỏ nhà đi xuất gia. Bởi vì đời sống bậc xuất gia nhẹ nhàng, không bị nhiều ràng buộc, thuận lợi hành phạm hạnh cao thượng: Học pháp học, hành pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ v.v...
Đức Phật chế định người giới tử đủ 20 tuổi trở lên, được phép thọ Tỳ-khưu; người dưới 20 tuổi được thọ Sadi (Sāmaṇera).
Đức Phật cho phép xuất gia thọ Sadi rằng:
“Anujānāmi Bhikkhave, tīhi saraṇagananehi sāmaṇerapabbajjaṃ, evañca pana Bhikkhave pabbajjetabbo”.
“Này chư Tỳ-khưu, Như Lai cho phép xuất gia thọ Sadi bằng cách thọ phép quy y Tam Bảo.
Này chư Tỳ-khưu, như vậy gọi là xuất gia thọ Sadi”.
Nghi thức thọ Sadi
Giới tử có ý nguyện muốn thọ Sadi, trước tiên cạo tóc, râu, mặc y cāsa màu lõi mít, để chừa vai bên phải, vào đảnh lễ Thầy tế độ, xong ngồi chồm hổm chắp hai tay để ngang trán xin thọ phép quy y Tam Bảo bằng tiếng Pāḷi.
Vị Thầy tế độ (upajjhāya) hướng dẫn phép quy y Tam Bảo bằng tiếng Pāḷi trước, giới tử thọ phép quy y Tam Bảo, lặp lại đúng từng chữ, từng câu theo vị Thầy tế độ như sau:
Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dhamma ṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Sa ṃgham saraṇaṃ gacchāmi.Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Dhamma ṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Sa ṃgham saraṇaṃ gacchāmi.Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Dhamma ṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Sa ṃgham saraṇaṃ gacchāmi.
Khi giới tử đã lặp lại đúng từng chữ từng câu theo vị Thầy tế độ, giới tử thọ phép quy y Tam Bảo đầy đủ 3 lần xong, giới tử ấy chính thức trở thành vị Sadi trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.
Ngài Rāhula khi ấy mới lên 7 tuổi, là vị Sadi đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.
Nghi thức lễ thọ Sadi bằng cách thọ phép quy y Tam Bảo này được lưu truyền từ thời kỳ Đức Phật mãi cho đến ngày nay, Phật lịch 2.548 trên các nước Phật giáo Theravāda.
3- Phép quy y Tam Bảo để trở thành người cận sự nam, cận sự nữ như thế nào?
Một người muốn trở thành người cận sự nam (upāsaka), cận sự nữ (upāsikā) được gần gũi thân cận với Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo. Điều trước tiên, người ấy phải có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, có nhận thức đúng đắn rằng: Đức Phật cao thượng, Đức Pháp cao thượng, Đức Tăng cao thượng, người ấy tìm đến hầu đảnh lễ vị Đại Trưởng Lão, thành kính xin thọ phép quy y Tam Bảo phổ thông như sau:
Kính thỉnh vị Đại Trưởng Lão hướng dẫn phép quy y Tam Bảo, và người đệ tử lặp lại thọ phép quy y Tam Bảo theo vị Đại Trưởng Lão:
Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dhamma ṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Sa ṃgham saraṇaṃ gacchāmi.Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Dhamma ṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Sa ṃgham saraṇaṃ gacchāmi.Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Dhamma ṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Sa ṃgham saraṇaṃ gacchāmi.
Người đệ tử lặp lại theo vị Đại Trưởng Lão đầy đủ 3 lần, mỗi lần:
- Khi lặp lại câu quy y Phật:
“Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi”, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Phật.
- Khi lặp lại câu quy y Pháp:
“Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi”, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 6 Ân đức Pháp.
- Khi lặp lại câu quy y Tăng:
“Saṃgham saraṇaṃ gacchāmi”, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Tăng.
Lần thứ nhì và lần thứ ba cũng như lần thứ nhất.
Như vậy, khi thành tựu phép quy y Tam Bảo, ngay khi ấy, người ấy được chính thức trở thành một người cận sự nam (upāsaka), hoặc người cận sự nữ (upāsikā) đã quy y Tam Bảo đến trọn đời trọn kiếp.
Thật ra, địa vị người cận sự nam, cận sự nữ trong Phật giáo rất khó được, mà người nào có được thì thật là cao quý. Bởi vì, Đức Phật xuất hiện trên thế gian là một điều khó. Cũng như vậy, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo xuất hiện trên thế gian cũng là điều khó. Cho nên, được trở thành người cận sự nam, hoặc người cận sự nữ cũng là điều rất khó.
Trong thời kỳ nào có Tam Bảo xuất hiện và còn tồn tại trên thế gian, trong thời kỳ ấy, chúng sinh có duyên lành được cơ hội tốt đến xin thọ phép quy y Tam Bảo: quy y Phật Bảo, quy y Pháp Bảo, quy y Tăng Bảo. Tam Bảo không phải lúc nào cũng hiện hữu trên thế gian này đâu! Khi nào có Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, khi ấy mới có Tam Bảo, mà Đức Phật xuất hiện trên thế gian này là một điều vô cùng hi hữu, rất hiếm có. Như Đức Phật đã dạy:
“Buddhuppādo dullabho lokasmim...”
Đức Phật xuất hiện trên thế gian này là điều khó được.
Thật vậy, có khi suốt thời gian lâu dài một a-tăng-kỳ kiếp trái đất, trải qua 4 thời kỳ thành-trụ-hoại-không mà không có một Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian, gọi là Suññakappa: trái đất không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Thật hy hữu và vô cùng diễm phúc trong kiếp trái đất hiện tại mà chúng ta sống, có 5 Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên trái đất này.
Trong thời quá khứ đã có ba Đức Phật: Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Koṇāgamana và Đức Phật Kassapa xuất hiện trên trái đất này, Đức Phật thứ tư là Đức Phật Gotama của chúng ta đã xuất hiện và Ngài đã tịch diệt Niết Bàn cách đây 2.548 năm rồi, nhưng giáo pháp của Ngài vẫn còn lưu truyền lại trên thế gian cho đến ngày nay, nên chúng ta có duyên lành, được có cơ hội tốt đến xin thọ phép quy y Tam Bảo. Những người nào thành tựu được phép quy y Tam Bảo xong rồi, những người ấy chính thức trở thành người cận sự nam hoặc người cận sự nữ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama. Cận sự nam, cận sự nữ là hai chúng trong tứ chúng: Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, cận sự nam và cận sự nữ. Như vậy cận sự nam, cận sự nữ cũng là một địa vị cao quý trong Phật giáo.
Trong kinh sách dạy rằng: Giáo pháp của Đức Phật Gotama chỉ tồn tại trên thế gian này khoảng 5.000 năm. Sau thời gian 5.000 năm giáo pháp của Đức Phật Gotama bị mai một, bị hoại diệt hoàn toàn, vì không còn các hàng đệ tử có khả năng giữ gìn duy trì được nữa. Trong thời hiện tại này, giáo pháp của Đức Phật Gotama vẫn còn đang lưu truyền, ba ngôi Tam Bảo vẫn còn hiện hữu. Những người cận sự nam, cận sự nữ có duyên lành đã thọ phép quy y Tam Bảo được thành tựu xong rồi, nên có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nhất tâm giữ gìn duy trì phép quy y Tam Bảo, cho được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn. Những người ấy, chắc chắn sẽ được quả báu lớn lao, vô cùng phong phú, được sự lợi ích cao thượng, sự tiến hóa cao thượng, sự an lạc cao thượng cả trong kiếp hiện tại lẫn vô lượng kiếp vị lai, cho đến khi đạt đến Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.
Như vậy, Phép quy y Tam Bảo có một tầm quan trọng không những đối với bậc xuất gia Sadi, Tỳ-khưu, mà còn đối với các hàng tại gia cận sự nam, cận sự nữ nữa.
NGƯỜI CẬN SỰ NAM VÀ CẬN SỰ NỮ TRONG PHẬT GIÁO
Đối với người cận sự nam, cận sự nữ còn là hạng phàm nhân, thọ phép quy y Tam Bảo là bước đầu tiên vào ngưỡng cửa Phật giáo. Phép quy y Tam Bảo của mỗi chúng sinh phải trải qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn đầu: Là giai đoạn thành tựu được phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới (lokiyasaraṇagamana).
Giai đoạn giữa: Là giai đoạn có cơ hội tốt thọ phép quy y Tam Bảo. Trong những buổi lễ làm phước bố thí, thường có lễ thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, bát giới... Và hằng ngày, hằng đêm tụng kinh lễ bái Tam Bảo. Trước tiên, nên đọc thọ phép quy y Tam Bảo, để trở thành một thói quen tốt lành, trong kiếp tử sinh luân hồi của mình.
Giai đoạn cuối: Là giai đoạn tiến hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo, sát-na Thánh Đạo Tâm phát sinh, có đối tượng Niết Bàn. Đó là giai đoạn thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới (Lokuttarasaraṇagamana) và liền tiếp theo chứng đắc Thánh Quả, không có thời gian ngăn cách (akālika). Đó là quả báu của phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới, Thánh Đạo Tâm và Thánh Quả Tâm chắc chắn chỉ có đối tượng Niết Bàn mà thôi.
Phép quy y Tam Bảo của mỗi người cận sự nam, cận sự nữ hoàn hảo giai đoạn đầu, hoàn hảo giai đoạn giữa và hoàn hảo giai đoạn cuối, có mục đích cứu cánh cuối cùng là Niết Bàn.
Phép quy y Tam Bảo và các Pháp
Để phép quy y Tam Bảo được hoàn hảo, người cận sự nam, cận sự nữ cần phải hành các pháp hỗ trợ cho phép quy y Tam Bảo được hoàn hảo và cũng nhờ có được đức tin trong sạch nơi Tam Bảo hỗ trợ cho các pháp hành được hoàn thiện.
Các pháp ấy là:
- Hành phước thiện bố thí.
- Giữ gìn ngũ giới, bát giới, cửu giới, thập giới,...
- Hành 10 nghiệp thiện, tránh xa 10 nghiệp ác.
- Sống theo chánh mạng, tránh xa cách sống tà mạng.
- Không nuôi mạng bằng 5 nghề buôn bán có hại như:
Không làm nghề buôn bán vũ khí sát hại chúng sinh.
Không làm nghề buôn bán chúng sinh: người, các loài thú vật.
Không làm nghề buôn bán các loại thịt.
Không làm nghề buôn bán các chất say như rượu, thuốc phiện, ma túy, thuốc lá,...
Không làm nghề buôn bán các loại chất độc giết hại chúng sinh.
- Tiến hành pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ, v.v...
* Người cận sự nam, cận sự nữ trong Phật giáo như thế nào?
Người cận sự nam, cận sự nữ trong Phật giáo nên tìm hiểu bài kinh Mahānāmasutta được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Nigrodhārāma, xứ Kapilavatthu; khi ấy, Đức vua Mahānāma dòng Sakya, đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ bèn bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, thế nào gọi là cận sự nam (cận sự nữ)? Bạch Ngài.
Đức Phật dạy rằng:
- Này Mahānāma, người có đức tin nơi Tam Bảo đến xin quy y nơi Đức Phật Bảo, xin quy y nơi Đức Pháp Bảo, xin quy y nơi Đức Tăng Bảo.
Này Mahānāma, người đã thọ phép quy y Tam Bảo như vậy, gọi là người cận sự nam (cận sự nữ).
- Kính bạch Đức Thế Tôn, thế nào gọi là người cận sự nam (cận sự nữ) có giới? Bạch Ngài.
Đức Phật dạy rằng:
- Này Mahānāma, cận sự nam (cận sự nữ) tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi.
Này Mahānāma, người cận sự nam (cận sự nữ) có tác ý thiện tâm tránh xa 5 điều giới như vậy, gọi là người cận sự nam (cận sự nữ) có giới.
- Kính bạch Đức Thế Tôn, thế nào gọi là người cận sự nam (cận sự nữ) có đức tin đầy đủ? Bạch Ngài.
Đức Phật dạy rằng:
- Này Mahānāma, người cận sự nam (cận sự nữ) trong Phật giáo này, là người có đức tin trong sạch nơi sự tự chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác của Như Lai rằng:
Đức Thế Tôn là:
Đức Arahán là Bậc cao thượng có thân khẩu ý hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh, xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của chư thiên, phạm thiên và nhân loại.
Đức Chánh Đẳng Giác là Bậc tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp không còn dư sót, đầu tiên trong toàn cõi thế giới chúng sinh; đặc biệt diệt được mọi tiền khiên tật, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị.
Đức Minh Hạnh Túc là Bậc có đầy đủ Tam Minh, Bát Minh và 15 Đức Hạnh cao thượng.
Đức Thiện Ngôn là Bậc thuyết pháp chân lý đem lại lợi ích thật sự cho chúng sinh.
Đức Thông Suốt Tam Giới là Bậc thấy rõ, biết rõ chúng sinh thế giới, cõi thế giới, pháp hành thế giới.
Đức Vô Thượng giáo hóa chúng sinh là Bậc giáo huấn chúng sinh cải tà quy chánh, cải ác làm thiện, từ hạng phàm nhân lên bậc Thánh Nhân.
Đức Thiên Nhân Sư là Bậc Thầy của chư thiên, chư phạm thiên, nhân loại...
Đức Phật là Bậc tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn đầu tiên trong toàn cõi thế giới chúng sinh, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác độc nhất vô nhị, rồi Ngài thuyết pháp giáo huấn chúng sinh có duyên lành cũng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế y theo Ngài (cũng chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn tùy theo năng lực ba-la-mật và hạnh nguyện của mỗi chúng sinh).
Đức Thế Tôn là Bậc có 6 Ân đức đặc biệt do đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh ba-la-mật của Ngài.
- Này Mahānāma, người cận sự nam (cận sự nữ) có đức tin trong sạch nơi sự chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác của Như Lai như vậy, gọi là người cận sự nam (cận sự nữ) có đức tin đầy đủ.
- Kính bạch Đức Thế Tôn, thế nào gọi là người cận sự nam (cận sự nữ) có phước bố thí đầy đủ? Bạch Ngài.
Đức Phật dạy rằng:
- Này Mahānāma, người cận sự nam (cận sự nữ) trong Phật giáo này là người không có tâm keo kiệt, bủn xỉn trong của cải của mình, biết đem của cải ra, làm phước bố thí với thiện tâm trong sạch, với đôi bàn tay dịu dàng của mình, có thiện tâm hoan hỷ bố thí đến những người đáng bố thí, không có tâm thiên vị, luôn luôn hoan hỷ phân phát của cải của mình đến cho người khác.
Này Mahānāma, làm phước bố thí như vậy, gọi là người cận sự nam (cận sự nữ) có phước bố thí đầy đủ.
- Kính bạch Đức Thế Tôn, thế nào gọi là người cận sự nam (cận sự nữ) có trí tuệ? Bạch Ngài.
Đức Phật dạy rằng:
- Này Mahānāma, người cận sự nam (cận sự nữ) tiến hành thiền tuệ, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp - sắc pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, tham ái trở thành bậc Thánh Nhân.
Này Mahānāma, có trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới như vậy, gọi là người cận sự nam (cận sự nữ) có trí tuệ...”.
Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, có 4 hạng: Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ; dù là các bậc xuất gia tu sĩ, hoặc các hàng tại gia cư sĩ cũng đều có khả năng chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhân.
Cận sự nam - cận sự nữ thấp hèn hoặc cao quý
Người cận sự nam, cận sự nữ đã quy y Tam Bảo rồi, trở thành người cận sự nam hoặc cận sự nữ cao quý hoặc thấp hèn do căn cứ vào 5 chi pháp đang hiện hữu trong người cận sự nam, cận sự nữ ấy.
5 chi pháp ấy mà Đức Phật đã thuyết dạy trong bài kinh Caṇḍālasutta là:
* 5 chi pháp của người cận sự nam - cận sự nữ thấp hèn
- Này chư Tỳ-khưu, người cận sự nam, cận sự nữ có 5 chi pháp này là người cận sự nam, cận sự nữ thấp hèn, ô nhiễm và đáng chê trách.
5 chi pháp ấy như thế nào?
- Người cận sự nam, cận sự nữ là người không có đức tin nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp.
- Người cận sự nam, cận sự nữ là người phá giới, không có giới.
- Người cận sự nam, cận sự nữ là người mê tín dị đoan, tin nhảm nhí vô căn cứ, không tin nơi nghiệp và quả của nghiệp.
- Người cận sự nam, cận sự nữ là người mong cầu phước thiện bên ngoài Phật giáo.
- Người cận sự nam, cận sự nữ lo hộ độ, phục vụ, giúp truyền bá duy trì ngoại đạo tà giáo.
Này chư Tỳ-khưu, người cận sự nam, cận sự nữ có 5 chi pháp này là người cận sự nam, cận sự nữ thấp hèn, ô nhiễm và đáng chê trách.
* 5 chi pháp của người cận sự nam - cận sự nữ cao quý
- Này chư Tỳ-khưu, người cận sự nam, cận sự nữ có 5 chi pháp này là người cận sự nam, cận sự nữ cao quý, cận sự nam, cận sự nữ ngọc, cận sự nam, cận sự nữ như đóa sen hồng, đóa sen trắng.
5 chi pháp ấy như thế nào?
- Người cận sự nam, cận sự nữ là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp.
- Người cận sự nam, cận sự nữ là người có giới, giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn.
- Người cận sự nam, cận sự nữ là người có chánh kiến, không tin nhảm nhí vô căn cứ, chỉ tin nghiệp và quả của nghiệp.
- Người cận sự nam, cận sự nữ là người mong cầu phước thiện trong Phật giáo.
- Người cận sự nam, cận sự nữ lo hộ độ, phụng sự, giúp truyền bá duy trì Phật giáo.
Này chư Tỳ-khưu, người cận sự nam, cận sự nữ có 5 chi pháp này là người cận sự nam, cận sự nữ cao quý, cận sự nam, cận sự nữ ngọc, cận sự nam, cận sự nữ như đóa sen hồng, đóa sen trắng.
Người Phật tử tại gia cận sự nam, cận sự nữ cần phải có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có chánh kiến nơi nghiệp của mình (kammassakatā sammādiṭṭhi), không mê tín dị đoan, không tin nhảm nhí vô căn cứ, không tin vào sự may rủi... mà chỉ có tin nơi nghiệp và quả của nghiệp của mình mà thôi. Như vật người Phật tử ấy gọi là người có chánh kiến nơi nghiệp của mình, tin chắc rằng:
“Kammassako m hi, kammadāyādo kammayoni kammabandhu kammapaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi”
“Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta, ta sẽ là người thừa hưởng quả của nghiệp thiện hoặc nghiệp ác ấy.
Nếu nghiệp ác có cơ hội cho quả, thì phải chịu quả khổ não, mà không oán trách ai cả, cố gắng tạo nghiệp thiện, rồi hoan hỷ trong nghiệp thiện.
Nếu nghiệp thiện có cơ hội cho quả, thì được hưởng quả an lạc, không phát sinh tâm ngã mạn, cố gắng tạo nghiệp thiện, bồi bổ tích lũy nhiều nghiệp thiện.”
Bởi vì, người Phật tử có chánh kiến, có đức tin rằng:
“Ngoài nghiệp của mình ra, không một ai có khả năng cho quả khổ não hoặc an lạc cả”.