- Lời Của Dịch Giả
- Chương 01: Quán Nhân Duyên
- Chương 02: Quán Khứ Lai
- Chương 03: Quán Lục Tình
- Chương 04: Quán Ngũ Ấm
- Chương 05: Quán Lục Chủng
- Chương 06: Quán Pháp Nhiễm Người Nhiễm
- Chương 07: Quán Ba Tướng
- Chương 08: Quán Tác, Tác Giả
- Chương 09: Quán Bổn Trụ
- Chương 10: Quán Nhiên, Khả Nhiên
- Chương 11: Quán Bổn Tế
- Chương 12: Quán Khổ
- Chương 13: Quán Hành
- Chương 14: Quán Hiệp
- Chương 15: Quán Hữu Vô
- Chương 16: Quán Phược Giải
- Chương 17: Quán Nghiệp
- Chương 18: Quán Pháp
- Chương 19: Quán Thời
- Chương 20: Quán Nhơn Quả
- Chương 21: Quán Thành, Họai
- Chương 22: Quán Như Lai
- Chương 23: Quán Điên Đảo
- Chương 24: Quán Tứ Đế
- Chương 25: Quán Niết-bàn
- Chương 26: Quán Thập Nhị Nhơn Duyên
- Chương 27: Quán Tà Kiến
LONG THỌ BỒ
TÁT Nāgārjuna
TRUNG LUẬN Mādhyamaka-Sāstra
Hán dịch: Tam tạng Pháp sư CƯU-MA-LA-THẬP Kumārajīva
Việt dịch THÍCH NỮ CHÂN HIỀN
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo -
CHƯƠNG XVII: QUÁN NGHIỆP
Hỏi: Ông tuy dùng mọi cách để phá các pháp, nhưng nghiệp quyết định có, nên khiến tất cả chúng sanh thọ quả báo. Như kinh nói: “Tất cả chúng sanh đều tùy nghiệp thọ sanh. Như kẻ làm những việc ác đọa vào địa ngục; người tu phước sanh thiên đường, người hành đạo được Niết-bàn.” Thế nên, tất cả pháp chẳng thể không.
Nghiệp ấy là:
192)Người hay hàng phục tâm,
Làm lợi ích chúng sanh;
Ấy gọi là từ thiện,
Hạt giống quả hai đời.[1] [1]
Con người có ba thứ độc. Vì để gây tổn hại cho kẻ khác mà phát sanh hành động. Người thiện, trước tự diệt những điều ác. Thế nên nói “Hàng phục tâm mình làm lợi ích người khác.” “Lợi ích người khác” là làm việc bố thí trì giới v.v.. không gây tổn hại cho chúng sanh. Đó là làm lợi ích cho người, cũng gọi là từ thiện phúc đức, cũng gọi hạt giống của quả báo an lạc ở đời này và đời sau.
Lại nữa:
193)Đại Thánh nói hai nghiệp,
Tư và từ tư sanh.
Biệt tướng của nghiệp ấy,
Phân biệt thành nhiều loại. [2]
Đức Đại Thánh nói tóm tắt rằng nghiệp có hai thứ: 1) Tư nghiệp. 2) Từ tư sanh[2]. Hai nghiệp này nó được nói đầy đủ trong A-tì-đàm.
194)Cái Phật nói là tư,
Đó tức là ý nghiệp.
Được phát sanh từ tư,
Tức là nghiệp, thân khẩu. [3]
Tư, là tâm sở pháp; trong các tâm sở pháp nó có khả năng phát khởi hành động, nên gọi nó là nghiệp. Nhơn bởi tư tâm sở này mà phát xuất nghiệp bên ngoài là thân và khẩu. Tuy là nhơn các tâm và tâm sở pháp khác vẫn có hành động, nhưng tư là gốc của hành động. Do đó mới nói tư là nghiệp. Nghiệp ấy nay sẽ nói rõ tướng trạng của nó.
195)Thân nghiệp và khẩu nghiệp,
Biểu cùng vô biểu nghiệp[3].
Như thế trong bốn điều,
Cũng có thiện, bất thiện. [4]
196)Từ dụng sanh phúc đức,
Tội sanh cũng như thế.
Và tư là bảy pháp,
Nêu rõ tướng các nghiệp. [5]
Khẩu nghiệp, bốn nghiệp thuộc khẩu. Thân nghiệp, là ba nghiệp thuộc thân. Bảy loại nghiệp này có hai thứ sai biệt, biểu và vô biểu; khi đang hành động nó được gọi là biểu nghiệp[4]; Sau khi hành động nó vẫn tiềm tàng lưu chuyển nên gọi là vô biểu nghiệp[5]. Hai thứ ấy có thiện và bất thiện. Bất thiện là không tránh xa việc ác. Lại có những phước đức sanh ra từ sự thọ dụng, như người thí chủ bố thí cho người thọ thí; nếu người thọ ấy thọ dụng thì thí chủ được hai phước, một là do chính sự bố thí của mình và hai là sự thọ dụng của người kia. Như người dùng mũi tên bắn kẻ khác, nếu mũi tên giết chết người thì có hai thứ tội, một là do từ chính sự bắn của mình và hai là do từ sự chết của người khác. Nếu bắn mà không chết, chỉ mắc tội bắn không có tội giết. Thế nên trong bài tụng nói: “Tội và phúc từ thọ dụng mà phát sanh.” Như thế gọi là sáu thứ nghiệp. Thứ bảy là tư nghiệp. Bảy thứ này chính là tướng trạng sai biệt của nghiệp. Nghiệp ấy có quả báo đời này, đời sau. Thế nên quyết định có nghiệp, và có quả báo; cho nên các pháp chẳng thể là không.
Đáp:
197)Nghiệp trú đến thọ báo,
Nghiệp ấy tức là thường.
Nếu diệt tức vô thường,
Làm sao sanh quả báo. [6]
Nghiệp, nếu thường trú cho đến khi thọ quả báo tức là thường; điều ấy không đúng. Vì sao? Nghiệp là hình thái có sanh có diệt, ngay trong một niệm nó còn không dừng trú, huống là dẫn đến quả báo. Nếu nói nghiệp bị hủy diệt, hủy diệt tức không có, làm thế nào phát sanh quả báo?
Hỏi:
198)Dòng tương tục của chồi (v.v..)
Đều sanh từ hạt giống;
Từ ấy phát sanh quả.
Lìa giống không tương tục. [7]
199)Từ giống có tương tục,
Từ tương tục có quả.
Trước giống, sau có quả,
Không đoạn cũng chẳng thường. [8]
200)Cũng vậy từ sơ tâm,
Tương tục của tâm sanh.
Từ đó mà có quả,
Lìa tâm không
tương tục. [9]
201)Từ tâm có tương tục,
Từ tương tục có quả.
Trước nghiệp, sau có quả.
Không đoạn cũng không thường. [10]
Như từ hạt lúa có mầm, từ mầm có dòng tương tục của cành lá v.v…Từ dòng tương tục ấy phát sanh quả. Lìa hạt giống, không có dòng tương tục phát sanh. Thế nên từ hạt lúa có dòng tương tục. Từ dòng tương tục có quả. Trước hết có hạt giống sau đó có quả, cho nên không đoạn cũng chẳng thường. Cũng như ví dụ về hạt giống ấy, nghiệp quả cũng như thế. Tâm sát na tối sơ phát khởi tội và phúc, cũng như hạt giống lúa. Do bởi tâm ấy, mà dòng tương tục của tâm và tâm sở pháp này phát sanh, cho đến khi tạo quả báo. Nghiệp có trước, quả có sau nên không đoạn cũng không thường. Nếu lìa nghiệp có quả báo thì bị lỗi đoạn thường. Ở đây, nhân duyên của thiện nghiệp là:
202)Hay thành phúc nghiệp ấy,
Do mười bạch nghiệp đạo.
Năm dục lạc hai đời,
Tức quả báo bạch nghiệp. [11]
Bạch tức là thiện, tịnh. Những nhân duyên để thành tựu phúc đức ấy phát sanh từ mười bạch nghiệp đạo. Mười bạch nghiệp là, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời ác, không nói lời vô ích, không tật đố, không sân giận và không tà kiến. Đó gọi là thiện, phát sanh từ thân, khẩu, ý. Quả báo của chúng là được danh lợi ở đời này và đời sau sanh vào nơi tôn quý trong cõi nhơn, thiên. Sự bố thí, cung kính v.v… tuy có nhiều loại phúc đức khác nữa, nhưng tóm tắt lại cũng được bao gồm trong mười thiện nghiệp đạo.
Đáp:
203)Nếu phân biệt như ông,
Lỗi kia thì rất nhiều.
Thế nên ông nói ra,
Nghĩa ấy tất không đúng. [12]
Nếu do nghiệp, quả báo tương tục, dùng tỉ dụ hạt lúa giống, lỗi rất nhiều; song trong đây không nói rộng. Ông nói dụ hạt lúa giống, dụ ấy không đúng. Vì sao? Hạt lúa giống có xúc chạm, có hình tướng nên có thể thấy là có tương tục. Tôi suy nghĩ việc ấy còn chưa nhận lời ông, huống là tâm và nghiệp vốn không xúc chạm, không hình tướng, không thể thấy, sanh diệt không ngừng, nhưng muốn lấy điều đó cho là tương tục thì không đúng. Lại nữa, từ hạt lúa mà có dòng tương tục của mầm v.v..; ấy là hủy diệt rồi tương tục hay là không hủy diệt mà tương tục? Nếu hạt giống diệt rồi tương tục, tất không nhơn. Nếu hạt lúa không hoại diệt mà tương tục thì từ hạt lúa giống thường phát sanh rất nhiều lúa. Nếu thế, một hạt lúa phát sanh tất cả lúa đầy thế gian, điều ấy chẳng phải. Thế nên nói có sự tương tục của nghiệp và quả báo là điều không đúng.
Hỏi:
204)Nay tôi sẽ lại nói,
Nghĩa thuận nghiệp quả báo.
Chư Phật, Bích-chi-phật,
Hiền thánh đều khen ngơị. [13]
Tức là nói:
205)Pháp “không mất”[6] như khoán.
Nghiệp như là món nợ.
Tánh này là vô ký,
Phân biệt có bốn thứ. [14]
206)Kiến đế chưa đoạn được,
Chỉ tư duy mới đoạn.
Do pháp “không mất” ấy,
Các nghiệp có quả báo. [15]
207)Nếu do kiến đế đoạn,
Mà nghiệp đến tương tợ [7].
Như thế phạm sai lầm,
Là nghiệp bị phá vỡ. [16]
208)Tất cả các hành nghiệp;
Tương tợ, không tương tợ.
Một cõi mới thọ thân,
Bấy giờ báo riêng sanh. [17]
209)Hai thứ nghiệp như thế,
Đời này, thọ quả báo.
Hoặc nói thọ báo rồi,
Mà nghiệp vẫn tồn tại. [18]
210)Hoặc “vượt quả” thì diệt,
Hoặc chết rồi thì diệt.
Ở trong ấy phân biệt,
Hữu lậu và vô lậu. [19]
Pháp “không mất”giống như chứng khoán. Nghiệp giống như sự vay nợ. Pháp không mất ấy hệ thuộc dục giới, hệ thuộc sắc giới, hệ thuộc vô sắc giới, hay không lệ thuộc sắc giới nào? Nếu phân biệt theo thiện, bất thiện và vô ký thì nó chỉ là vô ký. Ý nghĩa vô ký này được nói rộng trong A-tì-đàm. Nó không bị đoạn trừ ở kiến đạo[8]. Từ một Thánh quả này tiến lên một Thánh quả khác, nó bị đoạn trừ bởi tu đạo. Cho nên, do bởi pháp “không mất” mà các nghiệp đi đến quả. Nếu nó bị đoạn trừ ở kiến đạo, mà nghiệp đi đến tương tợ[9], thì phạm sai lầm là phá nghiệp. Điều này được nói rõ trong A-tì-đàm. Lại nữa, pháp “không mất” có nghĩa là các nghiệp tương tợ và không tương tợ ở trong một giới địa khi ban đầu mới thọ thân bấy giờ duy chỉ quả báo riêng sanh. Nơi thân hiện tại, từ nghiệp lại phát sanh ra nghiệp, nghiệp ấy có hai thứ, tùy nghiệp nào nặng thọ quả báo trước. Hoặc có người nói nghiệp ấy vẫn tồn tại sau khi đã thọ quả báo; do vì niệm niệm không diệt. Nói rằng, hoặc vuợt[10] quả thì diệt, hay chết rồi hủy diệt có nghĩa là nó hủy diệt sau khi đã siêu việt thánh quả như Tu-đà-hoàn v.v.. ở nơi các A-la-hán và các phàm phu nó hủy diệt sau khi đã chết. Nói rằng, “Trong đây phân biệt hữu lậu, vô lậu,” nghĩa là đối với các Hiền Thánh như Tu-đà-hoàn v.v.. thì cần phân biệt hữu lậu, vô lậu.
Đáp: Ý nghĩa ấy đều không lìa được lỗi đoạn, và thường. Thế nên cũng không thể chấp nhận.
Hỏi: Nếu thế không có quả báo của nghiệp sao?
Đáp:
211)Tuy không cũng không đoạn.
Tuy có mà không thường.
Quả của nghiệp không mất,
Ấy gọi lời Phật dạy.[11] [20]
Ý nghĩa mà luận này nói là lìa cả đoạn, thường. Tại sao? Vì nghiệp rốt ráo không; là tướng tịch diệt; tự tánh lìa có; thì pháp gì có thể đoạn? pháp nào có thể mất? Chỉ vì nhơn duyên điên đảo mà qua lại trong sanh tử, Đó cũng không phải là thường. Vì sao? Nếu pháp từ điên đảo phát khởi tức là hư vọng không thật; không thật nên không thường. Lại nữa, vì tham đắm điên đảo, chẳng biết thật tướng, cho nên nói “Nghiệp không mất.” Đây là lời Phật dạy.
Lại nữa:
212)Các nghiệp vốn không sanh,
Vì không tánh cố định.
Các nghiệp cũng không diệt,
Vì chúng chẳng
sanh vậy. [21]
213)Nếu nghiệp có tự tánh,
Ấy tức gọi là thường;
Không tạo cũng gọi nghiệp,
Thường thì không thể tạo. [22]
214)Nếu có nghiệp không tạo,
Chẳng tạo mà có tội.
Không làm mất phạm hạnh,
Mà có lỗi bất tịnh? [23]
215)Thế thì phá tất cả,
Pháp ngôn ngữ thế gian.
Tạo tội và làm phúc,
Cũng chẳng có sai biệt. [24]
216)Nếu nói nghiệp quyết định,
Mà có tánh cố định.
Thọ nơi quả báo rồi,
Mà thọ lại nữa sao? [25]
217)Nếu các nghiệp thế gian,
Từ phiền não phát xuất,
Phiền não ấy không thật,
Nghiệp lẽ nào có thật. [26]
Trong đệ nhất nghĩa, các nghiệp không sanh. Tại sao? Vì không tánh, cho nên không sanh. Do nhân duyên, nên chẳng diệt. Không phải do thường mà không diệt. Nếu chẳng phải thế, thì nghiệp tánh mới quyết định có. Nếu nghiệp quyết định có, tức là thường. Thường thì không tạo nghiệp. Vì sao? Pháp thường không có tạo tác.
Lại nữa, Nếu có nghiệp do không tạo, thì người kia tạo tội, người này chịu quả báo. Lại người khác đoạn phạm hạnh mà người này có tội, thì phá pháp thế tục. Nếu nghiệp trước có thì mùa đông không thể nghĩ việc mùa xuân; mùa xuân không thể nghĩ việc mùa hạ; có những lỗi như thế.
Lại nữa, người làm phúc và kẻ tạo tội sẽ chẳng có sai biệt. Khởi nghiệp bố thí, trì giới v.v… gọi là phúc; khởi nghiệp sát sanh, trộm cắp v.v.. gọi là tạo tội. Nếu không tạo mà có nghiệp thì chẳng phân biệt!
Lại nữa, nghiệp nếu quyết định có tánh, thì một lúc thọ quả báo rồi lại nên thọ nữa. Thế nên, ông nói do pháp không mất nên có nghiệp báo cố định, có những lỗi như thế.
Lại nữa, nếu nghiệp từ phiền não khởi; phiền não chẳng quyết định, chỉ từ nhớ tưởng phân biệt mà có. Nếu các phiền não không thật, nghiệp làm thế nào có thật? Tại sao? Vì nhơn không tự tánh, nghiệp cũng không tự tánh.
Hỏi: Nếu các phiền não và nghiệp không tự tánh, không thật. Nhưng nay thân quả báo hiện có, nên phải thật?
Đáp:
218)Các phiền não và nghiệp,
Là nhân duyên của thân.
Phiền não các nghiệp không,
Huống là có các thân. [27]
Các bậc Hiền Thánh nói, phiền não và nghiệp là nhân duyên của thân. Trong ấy tham ái có khả năng làm tươi nhuận sự sanh; nghiệp có khả năng đưa đến quả báo tốt, xấu, sang, hèn v.v.. với mức độ thượng, trung và hạ. Nay bằng mọi cách để xét nghiệm mà không thấy có tánh quyết định của các phiền não và nghiệp, huống là có quả báo quyết định của các thân. Tại sao? Vì quả báo tùy nhân duyên.
Hỏi: Ông tuy dùng mọi cách, phá nghiệp và quả báo. Nhưng trong kinh nói có người tạo nghiệp. Vì có người tạo nghiệp, nên có nghiệp có quả báo.
Như nói:
219)Bị vô minh che lấp,
Bị ái kết ràng buộc.
Nhưng tác giả, thọ giả;
Không khác cũng không một. [28]
Trong kinh “Vô thỉ” nói chúng sanh bị vô minh che lấp, do ái kết ràng buộc, qua lại trong sanh tử từ vô thỉ, thọ đủ những khổ vui. Người đời nay thọ đối với người tạo đời trước, không phải một cũng chẳng phải khác. Nếu một thì người tạo tội chịu hình trâu, tức người không làm trâu, trâu không làm người. Nếu khác thì mất quả báo của nghiệp, rơi vào vô nhơn. Vô nhơn là đoạn diệt. Thế nên người thọ đối với người tạo trước, không phải một cũng chẳng phải khác.
Đáp:
220)Nghiệp không từ duyên sanh,
Chẳng từ phi duyên sanh.
Thế nên không thật có,
Người hay khởi nghiệp ấy. [29]
221)Không nghiệp, không người tạo,
Quả nào do nghiệp sanh.
Nếu kia không có quả,
Sao có người thọ quả. [30]
Nếu không nghiệp, không có người tạo nghiệp, làm thế nào có quả sanh ra từ nghiệp? Nếu không có quả báo làm sao có người thọ quả báo? Nghiệp có ba thứ. Con người giả danh trong năm ấm gọi là tác giả. Nghiệp ấy hoặc sanh từ chỗ nào thiện, ác, gọi là quả báo. Nếu người tạo nghiệp còn không huống là có nghiệp có quả báo và có người thọ quả báo.
Hỏi: Ông tuy dùng mọi cách phá nghiệp, quả báo và người tạo nghiệp, nhưng nay hiện thấy chúng sanh tạo nghiệp, thọ quả báo, điều ấy thế nào?
Đáp:
222)Thế Tôn dùng thần thông,
Hóa ra người biến hóa.
Người biến hóa như thế,
Lại biến hóa người nữa.[12] [31]
223)Như người biến hóa đầu,
Ấy gọi là tác giả.
Các người hóa tạo ra,
Ấy tức gọi là nghiệp.[13] [32]
224)Các phiền não và nghiệp,
Người tạo và quả báo.
Đều như huyễn như mộng,
Như quang nắng, âm vang. [33]
Như sức thần thông của Phật biến hóa ra một người huyễn hóa; rồi người huyễn hóa ấy, lại hóa làm người hoá khác như thế. Người biến hóa sự thật không có, chỉ có thể trông thấy. Lại người huyễn hóa ấy hóa khẩu nghiệp nói pháp, thân nghiệp bố thí v.v..
Nghiệp tuy không thật mà mắt có thể thấy. Vậy nên thân sanh tử, tác giả và nghiệp cũng nên biết như thế.
Các phiền não là ba độc, phân biệt thành vô lượng phiền não. Có 98 sử, 9 kết, 10 triền, 6 cấu v.v.. Nghiệp là nghiệp thân, khẩu, ý, dời nay, đời sau; phân biệt có thiện, bất thiện, vô ký. Có những quả báo khổ, lạc, không khổ không lạc; nghiệp hiện báo, nghiệp sanh báo và nghiệp hậu báo. Như thế v.v.., vô lượng.
Tác giả là người hay tạo khởi các nghiệp phiền não. Người hay thọ quả báo là thọ giả.
Quả báo là từ
nghiệp thiện, ác phát sanh thân năm ấm vô ký. Các nghiệp như thế đều không;
không tự tánh, như huyễn, như mộng, như âm vang, như quáng nắng.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Có người hỏi rằng: Các pháp chấp vọng tưởng đã bị công kích, nhưng các nghiệp không thể không có. Như trong kinh nói: “Tất cả chúng sinh đều từ nghiệp mà sinh. Kẻ tạo ác, đọa địa ngục, người tu phước được sanh thiên, người tu đạo đắc Niết-bàn”. Cho nên không thể nói không có nghiệp. Long Thọ Bồ Tát dẫn lời Phật dạy: Nghiệp có ba là từ ý nghiệp, thân và khẩu nghiệp. Từ thân, khẩu, ý nghiệp tạo ra mười nghiệp ác và mười nghiệp lành. Tức gọi là thập thiện và thập ác. Người hành nghiệp lành thì hưởng quả an vui trong hiện tại và tương lai. Kẻ tạo ra mười điều ác thì bị quả báo khổ sở. Nghiệp còn chia hai thứ là hữu lậu và vô lậu. Người tạo phước nghiệp hữu lậu là hạnh nghiệp của Thánh nhân Siêu Thượng, diệt trừ những phiền não vi tế vô minh, đắc sanh Niết-bàn.
[2] Câu xá nói: tư cập tư sở tác.
[3] Nguyên bản Hán là tác nghiệp và vô tác nghiệp. Đây dịch theo chữ của luận Câu xá.
[4] Gọi là biểu, vì nó biểu ra bên ngoài cho người khác có thể nhận biết.
[5] Từ khi thành tựu căn bản nghiệp đạo, cho đến lúc phát sanh kết quả, nghiệp được tồn tại trong trạng thái không biểu lộ ra ngoài cho nên nói là vô biểu.
[6] Cát Tạng, Trung quán luận sớ 8A, dẫn Luật minh liễu nhị thập luận, về chủ trương của Chánh lượng bộ. Bộ này nói, khi một niệm ác khởi lên, hình thành hai loại nghiệp là chí đắc và bất thất. Chí đắc gồm cả ba tánh thiện, ác và vô ký. Bất thất duy chỉ vô ký. Với nghiệp ác đã tạo, nhưng trong khi kết quả chưa phát, sám hối mà diệt được; đó là chí đắc. Nghiệp bất thất thì không thể sám hối mà diệt được. Chỉ khi nào quả đã sanh, tức đã có báo ứng, bấy giớ cái bất thất mới mất. Như tờ khoán vay nợ. Chỉ khi nào món nợ được trả, tờ khoán mới bị hủy. Bất thất, tiếng Phạn là avipraịàza, không bị hủy.
[7] Nguyên Hán: nghiệp chí tương tợ. Giải thích của Thanh Biện, Bát nhã đang luận 10, “pháp không mất, cùng với nghiệp đi đến đời sau.” Túc nghiệp chuyển đến đời sau, rồi biến thái; lúc bấy giời nghiệp này được coi là diệt, hay nợ đã được thanh toán. Nguyên tiếng Phạn là saưkrama, nghĩa là cùng tiến hành, hay cùng đi. Giải thích của Cát Tạng: chí tức chí đắc (xem chú thích trên). Vì nghiệp chí đắc thông cả ba tánh, nên khi kết quả phát sanh, quả này cũng mang tánh thiện, ác hay vô ký, dó đó nói là tương tợ.
[8] Giai đoạn bắt đầu thấy Thánh đế, chứng Tu-đà-hoàn hướng. Sau đó tiếp tục tu tập để chứng từ Tu-đà-hoàn quả cho đến A-la-hán hướng, gọi là tu đạo. A-la-hán quả thuộc vô học đạo.
[9] Chí tương tợ, xem các chú thích trên.
[10] Từ quả thấp vượt lên quả cao. Ở đây giải thích sự tồn tại và báo ứng của nghiệp nơi các Thánh giả.
[11] Có người hỏi rằng: Các pháp chấp vọng tưởng đã bị công kích, nhưng các nghiệp không thể không có. Như trong kinh nói: “Tất cả chúng sinh đều từ nghiệp mà sinh. Kẻ tạo ác, đoạ địa ngục, người tu phước được sanh thiên, người tu đạo đắc Niết-bàn”. Cho nên, không thể nói không có nghiệp. Long Thọ Bồ Tát dẫn lời Phật dạy: Nghiệp có ba là từ ý nghiệp, thân và khẩu nghiệp. Từ thân, khẩu, ý nghiệp tạo ra muời nghiệp ác và mười nghiệp lành. Tức gọi là thập thiện và thập ác. Người thực hành nghiệp lành thì hưởng quả an vui trong hiện tại và tương lai. Kẻ tạo ra muời điều ác thì bị quả báo khổ sở. Nghiệp còn chia hai thứ là hữu lậu và vô lậu. Người tạo phước nghiệp hữu lậu thì được sanh cõi nhân thiên, hưởng phước báo. Người tạo nghiệp vô lậu là hạnh nghiệp của Thánh nhân Siêu Thượng, diệt trừ những phiền não vi tế, vô minh, đắc sanh Niết-bàn.
[12] Biến hoặc là các phiền não được đoạn trừ ở kiến đạo tức giai đoạn chứng nghiệm bốn Thánh đế và do đây mà chứng Tu đà hoàn. Tư hoặc là các phiền não được đoạn trừ ở Tu đạo tức giai đoạn tư duy và tu tập và do đấy mà đắc bốn quả của Thanh văn là Tu Đà Hoàn quả, Tư Đà hàm quả, A na hàm quả và A la Hán quả.
[13] Bồ tát (vị tương tợ) trừ hết Trần sa hoặc chứng đắc thập địa và khi nào diệt hết vô minh hoặc liền chứng đắc vô thượng Phật quả.
Đúng trên phương diện tương đối tục đế thì chúng ta thấy có nghiệp nhân thọ báo và người tạo nghiệp chịu quả. Trên phương diện tuyệt đối, Chân đế, thì nghiệp nhân quả báo cũng như người tạo tác, tất cả đều không. Nó như khói lửa, như tiếng vang đầu gành, hiệp rồi tan.