NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp
Quyển I:
Tam Bảo
ĐỨC PHẬT AN HƯỞNG QUẢ VỊ GIẢI THOÁT NIẾT-BÀN
Sau khi Ngài đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng đầu tiên trong 10 ngàn thế giới chúng sinh, nên Ngài có danh hiệu: “Đức Phật Chánh Đẳng Giác”, độc nhất vô nhị. Đức Phật an hưởng pháp vị giải thoát Niết Bàn suốt 7 tuần lễ, gồm có 49 ngày như sau:
1- Tuần lễ thứ nhất: Đức Thế Tôn ngự tại Bồ đoàn quý báu, tại cội Bồ đề, ban ngày nhập Arahán Thánh Quả, ban đêm quán xét Thập Nhị Duyên Sanh theo chiều thuận, chiều sanh; quán xét Thập Nhị Nhân Diệt theo chiều nghịch, chiều diệt. Và tiếp theo 6 ngày sau, Đức Thế Tôn nhập Arahán Thánh Quả, an hưởng pháp vị giải thoát Niết Bàn, suốt thời gian kể từ ngày 16 tháng 4 đến ngày 22 tháng 4, gọi là tuần lễ “Pallaṅkasattāha”.
2- Tuần lễ thứ nhì: Đức Thế Tôn rời khỏi Bồ đoàn quý báu, ngự về phía Đông Bắc, cách cội Bồ đề 14 sải tay, Ngài đứng nhìn về Bồ đoàn quý báu, nơi mà Ngài đã toàn thắng 5 loại Ma (Māra), đã trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác. Đức Thế Tôn đứng nhìn Bồ đoàn quý báu không nháy mắt, suốt 7 ngày đêm, kể từ 23 tháng 4 đến ngày 29 tháng 4, gọi là tuần lễ “Animisasattāha”.
3- Tuần lễ thứ ba: Đức Thế Tôn đi kinh hành trên đoạn đường dài 60 hắc tay, được làm bằng 7 loại châu báu, do chư thiên hóa ra để cúng dường Ngài. Đoạn đường này ở phía Bắc gần cội Bồ đề theo chiều Đông Tây. Đức Thế Tôn hóa phép thần thông Yamakapaṭihāriya thành 2 dòng nước và lửa song song phát ra từ nơi kim thân của Ngài, rồi Ngài ngự đi kinh hành, quán xét về chánh pháp, suốt thời gian kể từ ngày 30 tháng 4 đến ngày 6 tháng 5, gọi là tuần lễ “Caṅkamasattāha”.
4- Tuần lễ thứ tư: Đức Thế Tôn ngự tại lâu đài bằng vàng, ở phía Tây Bắc của cội Bồ đề do chư thiên hóa ra để cúng dường Ngài. Ở đây, Ngài quán xét về Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapitaka) gồm có 7 bộ: Bộ Dhammasaṅganī, bộ Vibhaṅga, bộ Dhātukathā, bộ Puggalapannatti, bộ Kathāvatthu, bộ Yamaka và bộ Patthāna. Suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 7 tháng 5 đến ngày 13 tháng 5, gọi là tuần lễ “Ratanagharasattāha”.
5- Tuần lễ thứ năm: Đức Thế Tôn ngự đến cội da ở phía Đông, cách cội Bồ đề 32 sải tay, khi thì Ngài quán xét chánh pháp, khi thì Ngài nhập Arahán Thánh Quả.
Khi ấy, có 3 cô thiên nữ: Taṇhā, Aratī và Rāgā là con gái của Ác Ma Thiên, từ cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên hiện xuống, để quyến rũ Đức Phật, với lời nói lẳng lơ và bằng điệu bộ gợi tình. Đức Thế Tôn không quan tâm đến lời nói và điệu bộ của ba nàng, Ngài vẫn an nhiên tự tại nhập Arahán Thánh Quả, an hưởng pháp vị giải thoát Niết Bàn.
Ba nàng đã dùng hết khả năng của mình, mà không thể cám dỗ được Đức Thế Tôn, đành phải bất lực, vì Đức Thế Tôn là bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt tất cả mọi tham ái, phiền não, nên không một ai trong tam giới này có thể làm cho tâm Ngài xao động.
Ba cô thiên nữ không quyến rũ được Đức Thế Tôn, nên hồi tâm tán dương ca tụng Ngài, rồi từ giã trở về cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên.
Đức Thế Tôn ngự tại cội da này nhập Arahán Thánh Quả suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 14 tháng 5 đến ngày 20 tháng 5, gọi là tuần lễ “Ajapālasattāha”.
6- Tuần lễ thứ sáu: Đức Thế Tôn ngự đến cội me gần hồ Mucalinda, cách xa cội Bồ đề 51 sải tay, ở về phía Đông Nam, Ngài ngồi nhập Arahán Thánh Quả.
Khi ấy, trời mưa lớn, rồng chúa Mucalinda hiện ra dùng thân mình cuộn thành vòng tròn, chồng lên 7 lớp để bao bọc xung quanh kim thân Đức Phật, và phồng mang che trên đầu Ngài, để mưa không làm ướt và lạnh. Rồng chúa tỏ lòng thành kính cúng dường Đức Phật.
Đức Thế Tôn nhập Arahán Thánh Quả suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 21 tháng 5 đến ngày 27 tháng 5, gọi là tuần lễ “Mucalindasattāha”.
7- Tuần lễ thứ bảy: Đức Thế Tôn ngự đến cội cây gọi là Rājāyatana cách xa cội Bồ đề 4 sải tay, ở về phía Nam . Ngài nhập Arahán Thánh Quả suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 5 tháng 6, gọi là tuần lễ “Rājāyatanasattāha”.
Như vậy, Đức Thế Tôn đã an hưởng pháp vị an lạc giải thoát Niết Bàn suốt 7 tuần lễ, gồm 49 ngày xung quanh cội Bồ đề (hiện nay, taih Buddhagaya xứ Ấn Độ, quanh Đại cội Bồ-đề có đánh dấu kỷ niệm 7 nơi mà Đức Phật đã an hưởng pháp vị giải thoát Niết-bàn).
Đức Phật suy tư về pháp Siêu Tam Giới
Đức Thế Tôn suy xét về 9 pháp Siêu tam giới (Lokuttaradhamma) mà Ngài đã chứng đắc:
Tứ Thánh Đế là pháp vô cùng vi tế, vô cùng sâu sắc, khó chứng ngộ.
4 Thánh Đạo
là pháp diệt đoạn tuyệt mọi tham ái, phiền não, ác pháp.
4 Thánh Quả
là pháp làm vắng lặng mọi tham ái, mọi phiền não, ác pháp.
Niết Bàn
là pháp giải thoát mọi cảnh khổ.
Đó là pháp mà chỉ có bậc thiện trí, xa lánh ngũ dục, tiến hành thiền tuệ để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn. Còn chúng sinh đang bị dính mắc trong ngũ dục, bị say mê trong ngũ dục, bị đắm chìm trong ngũ dục, làm tôi tớ của 108 loại tham ái và làm nô lệ 1.500 loại phiền não, thì khó mà chứng ngộ được chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn.
Đức Phật nghĩ rằng: “Nếu Như Lai thuyết pháp mà chúng sinh không thấu hiểu chánh pháp, không chứng đắc chánh pháp cao thượng, thì chỉ làm cho Như Lai vất vả, mệt nhọc, hoài công vô ích mà thôi!”.
Do vậy, lúc này Đức Phật chưa muốn thuyết pháp tế độ chúng sinh.
Theo lệ thường, Chư Phật thuyết pháp cần phải có đầy đủ 2 điều kiện:
- Chủ thể: Đức Phật có tâm đại bi (mahākarunā) muốn tế độ chúng sinh giải thoát khỏi mọi cảnh khổ, điều kiện này đã sẵn có nơi Ngài.
- Khách thể: Phải có Đại Phạm Thiên thỉnh cầu thuyết pháp tế độ chúng sinh, điều kiện này để làm cho phát sinh đức tin nơi Đức Phật.
Vì rằng, các Đạo sĩ, tu sĩ, Samôn, Bàlamôn, Vua chúa, dân chúng, kể cả chư thiên, phạm thiên, đều tôn kính Đại Phạm Thiên. Nay Đại Phạm Thiên tôn kính Đức Phật, thỉnh cầu Đức Phật thuyết pháp tế độ chúng sinh, thì ắt hẳn phần đông chúng sinh nhân loại, chư thiên, phạm thiên,... cũng tôn kính Ngài. Từ sự tôn kính ấy, mới có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng. Khi có đức tin nơi Tam Bảo, Đức Phật thuyết pháp thì tất cả chúng sinh, nhân loại, chư thiên, phạm thiên... mới lắng nghe chánh pháp và thực hành theo chánh pháp của Ngài.
Đại Phạm Thiên thỉnh Đức Phật thuyết pháp
Đại Phạm Thiên Sahampati biết Đức Phật đang còn do dự chưa muốn thuyết pháp tế độ chúng sinh, Ngài bèn tuyên bố cho toàn cõi phạm thiên, chư thiên khắp 10 ngàn thế giới hay biết rằng:
Nassati vata Bho loko!
Vinassati vata Bho loko!
Này chư vị, toàn thế giới chúng sinh sẽ hủy hoại!
Này chư vị, toàn thế giới chúng sinh sẽ tiêu diệt!
Bởi vì, Đức Phật đang do dự chưa muốn thuyết pháp tế độ chúng sinh. Cho nên, Đại Phạm Thiên Sahampati cùng chư thiên, phạm thiên khắp 10 ngàn thế giới hiện xuống, cung kính Đức Thế Tôn, đồng thành kính cung thỉnh:
Desetu Bhante Bhagavā dhammam
Desetu Sugato dhammam.- Kính bạch Đức Thế Tôn,
Chúng con hết lòng thành kính, xin thỉnh Đức Thế Tôn mở tâm đại bi thuyết pháp tế độ chúng sinh.Kính bạch Đức Thế Tôn, Đức Thiện Ngôn,
Chúng con hết lòng thành kính, xin thỉnh Ngài mở tâm đại bi thuyết pháp tế độ chúng sinh.
Có số chúng sinh nào phiền não nhẹ, có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn. Nếu số chúng sinh ấy, không có được cơ hội lắng nghe chánh pháp của Đức Thế Tôn, thì sự thiệt hại sẽ lớn lao biết dường nào!
Nghe qua lời thỉnh cầu của Đại Phạm Thiên Sahampati, với tâm đại bi, Đức Thế Tôn quán xét bằng Phật nhãn (Buddhacakkhu) thấy rõ có số chúng sinh có phiền não nhẹ, có số chúng sinh có phiền não nặng, có số chúng sinh có 5 pháp chủ (tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ) đủ năng lực, có số chúng sinh có 5 pháp chủ ít năng lực, có số chúng sinh dễ dạy, có số chúng sinh khó dạy...
Ví như có 4 đóa hoa sen:
- Có đóa hoa sen vượt qua khỏi mặt nước, chỉ chờ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời liền nở ngay ngày hôm đó.
- Có đóa hoa sen vươn lên, nằm ngang tầm mặt nước, sẽ chờ nở vào ngày hôm sau.
- Có đóa hoa sen còn ở dưới mặt nước, sẽ chờ thời gian 3 hoặc 4 hôm nữa mới nở được.
- Có đóa hoa sen còn non vừa mới tượng hình ở dưới nước sâu. Những mầm sen non ấy sẽ làm vật thực cho loài rùa, cá....
Bốn loại hoa sen này được so sánh như 4 hạng người ở trong đời:
- Ugghāṭitannuù: Hạng người có trí tuệ bậc thượng, bén nhạy. Khi được nghe tiền đề của chánh pháp, chưa cần khai triển, hay trong một bài kệ có 4 câu, chỉ được nghe 2 câu đầu, bậc ấy có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn ngay tức khắc.
- Vipañcitannū: Hạng người có trí tuệ bậc trung. Khi được nghe tiền đề của chánh pháp và khai triển, hay được nghe một bài kệ đầy đủ 4 câu, bậc ấy có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
- Neyya: Hạng người có trí tuệ bậc thường. Khi được nghe tiền đề của chánh pháp và khai triển xong, còn cần phải có thời gian thân cận gần gũi với bậc Thánh Nhân, bậc thiện trí hướng dẫn chỉ dạy thêm, bậc ấy mới có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trong kiếp hiện tại này.
- Padaparama: Hạng người có trí tuệ kém. Dù được nghe nhiều, học nhiều đi nữa hoặc dù có thân cận với bậc thiện trí, họ cũng chưa có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả ngay trong kiếp hiện tại này. Nhưng đây là một cơ hội tốt, một dịp may, để bồi bổ pháp hạnh ba-la-mật, để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn trong kiếp vị lai.
Đức Phật quán xét tất cả chúng sinh bằng Phật nhãn thấy rõ có 4 hạng người như vậy; cho nên, sự thuyết pháp của Ngài sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho 3 hạng người trước có thể chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn ngay trong kiếp hiện tại, và cũng đem lại lợi ích cho hạng người thứ tư (padaparama) ở kiếp vị lai. Do đó, Đức Phật nhận lời thỉnh cầu của Đại Phạm Thiên Sahampati, Ngài sẽ thuyết pháp tế độ chúng sinh.
Đức Thế Tôn dạy rằng:
- Này Đại Phạm Thiên Sahampati, trước đây chưa có đủ điều kiện, nên Như Lai chưa chịu thuyết pháp tế độ chúng sinh.
Này Đại Phạm Thiên Sahampati, bây giờ, Như Lai nhận lời thỉnh cầu của các ngươi, Như Lai sẽ thuyết pháp tế độ cho những chúng sinh có duyên lành, để giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Vị Đại Phạm Thiên Sahampati cùng toàn thể chư phạm thiên, chư thiên vô cùng hoan hỷ, khi biết Đức Thế Tôn đã nhận lời thỉnh cầu của họ. Toàn thể chư phạm thiên, chư thiên thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi xin phép trở về cõi trời.
Trong đời này, chỉ có Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót, và chư Bồ Tát Độc Giác kiếp chót là không cần lắng nghe chánh pháp từ một vị Thầy nào, mà tự mình có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng, bởi vì chư Bồ Tát này có nhiều năng lực pháp hạnh ba-la-mật.
Ngoài Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác và chư Bồ Tát Độc Giác kiếp chót ra, còn tất cả các Đức Bồ Tát Thanh Văn Giác bậc nào, cũng cần phải lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, mới có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế y theo Đức Phật, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, mọi tham ái, mọi ác pháp, trở thành bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, đó là bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai và bậc Thánh Arahán tùy theo năng lực ba-la-mật của mỗi bậc Thánh Nhân.
Thật vậy, trong giáo pháp của Đức Phật Gotama, Ngài Đại đức Sāriputta là bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác xuất sắc nhất về trí tuệ, trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, vậy mà tự Ngài cũng không thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, cho đến khi Ngài lắng nghe Ngài Đại đức Assaji thuyết dạy một bài kệ gồm 4 câu, vừa nghe 2 câu đầu, Ngài liền chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.