(MỘT TRĂM CÔNG ÁN THIỀN TÔNG)
Thích Mãn Giác dịch
Chùa Việt Nam Trung Tâm Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ 1988
TẮC THỨ TÁM MƯƠI HAI
KIẾN CỐ PHÁP THÂN CỦA ĐẠI LONG
THÙY: Giây nơi đầu gậy, có mắt mới biết. Cơ biến đặc biệt, chuyên gia biện được. Song thử nói xem, giây nơi đầu gậy là gì? Cơ biến đặc biệt là gì? Thử nêu lên xem.
CỬ: Có ông tăng hỏi Đại Long, “Sắc thân bại hoại, thế nào là kiên cố Pháp Thân?” Đại Long nói, “Hoa núi nở tựa gấm, nước khe trong như ngọc.”
BÌNH: Nếu như dựa vào ngôn ngữ để tìm hiểu ý nghĩa của công án này thì cũng giống như thể khua gậy đánh trăng. Chẳng có gì là nhằm nhò cả. Cổ nhân đã nói rõ rằng, “Nếu như muốn đạt được chỗ thân thiết, đừng đem câu hỏi đến hỏi. Tại sao vậy? Bởi vì câu hỏi nằm trong câu trả lời, câu trả lời nằm trong câu hỏi.”
Ông tăng này gánh một gánh dấm dớ đến đổi lấy một gánh lúng túng. Đặt câu hỏi như thế, chỗ thất bại của ông ta không phải là ít. Nếu như không phải là Đại Long, sai có thể che trời trùm đất được? Ông tăng hỏi như thế, Đại Long đáp như thế, chính là một toàn thể. Đại Long chẳng hề di dịch một tơ hào, giống như thể thấy THỎ THẢ ƯNG, thấy lỗ đóng cọc. Ba thừa và mười hai phần giáo, còn có thời tiết này chăng? Kể cũng kỳ đặc hết sức, ngôn ngữ của thầy ta chẳng hề làm nghẹn họng thiên hạ. Cho nên mới có câu nói rằng, “Một phiến mất trắng ngang thung lũng, bao nhiêu chim đêm không thấy tổ.”
Có người bảo rằng đây chỉ là trả lời một cách khéo léo. Những kẻ hiểu như thế đúng là những kẻ diệt hết dòng giống của Phật. Chẳng hề biết rằng cổ nhân chỉ với một cơ một cảnh gỡ hết xiếng xích, mỗi một câu một lời đều là vàng ròng ngọc tinh. Nếu như là người có mắt và óc của nạp tăng, có lúc biết nắm giữ có lúc biết buông bỏ. Chiếu dụng cùng một lúc, nhân cảnh đều hoạt, vừa buông ra vừa thu vào. Thông biến tùy lúc. Nếu như không có đại cơ đại dụng, làm sao mà bao trùm được trời đất như thế này? Giống như gương sáng trên giá, người Hồ đến thì phản chiếu bóng người Hồ, người Hán đến thì phản chiếu bóng người Hán.
Công án này giống như câu chuyện về dậu hoa (Tắc 39), song ý nghĩa lại không giống. Câu hỏi của ông tăng không rõ ràng, câu trả lời của Đại Long lại vô cùng khế hợp. Há không nghe có ông tăng hỏi Vân Môn, “ Lúc cây điêu linh lá rôi rụng thì như thế nào?” Vân Môn nói, “Thể lộ kim phong.” Đó gọi là “hai đầu mũi tên chạm nhau.” Ở đây ông tăng hỏi Đại Long, “Sắc thân bại hoại, thế nào là kiên cố Pháp Thân?” Đại Long nói, “Hoa núi nở tựa gấm, nước khe trong như ngọc.” Giống y như thể “Ông đi hướng tây về Tần, tôi đi hướng đông về Lỗ.”Người ta đã làm như thế thì tôi không làm như thế. Câu trả lời của Đại Long hoàn toàn tương phản với câu trả lời của Vân Môn. Vân MÔn hành động như vậy thì dễ thấy, Đại Long không hành động như vậy thì lại khó thấy. Song miệng lưỡi của Đại Long mới thật là kỳ diệu. Tuyết Đậu tụng rằng:
TỤNG
Hỏi mà không biết,
Đáp vẫn không hiểu.
Trăng lạnh gió cao,
Vách cổ thông lạnh.
Vui thay gặp được người đạt đạo,
Không dùng ngữ mặc đối.
Tay cầm roi ngọc trắng,
Đánh vỡ ngọc ly châu.
Không đập vỡ,
Thêm tì vết.
Nước có hiến chương,
Ba ngàn điều tội.
BÌNH: Tuyết Đậu tụng một cách công phu hết sức. Trước đây lúc tụng lời của Vân Môn, thầy ta nói, ”Câu hỏi đã có gốc, câu đáp cũng phải giống.” Bởi vì công án này không như thế, cho nên Tuyết Đậu nói, “Hỏi mà không biết, đáp vẫn không hiểu.” Câu trả lời của Đại Long chỉ liếc qua thôi cũng thấy là kỳ đặc hết sức. Câu trả lời của thầy ta rõ ràng đến mức những người hỏi thầy ta như vậy kể như đã thất bại ngay trước khi cất tiếng hỏi rồi. Với câu trả lời như thế, Đại Long có thể hạ thấp mình xuống để khế hợp với cơ nghi của ông tăng kia nói rằng, “Hoa núi nở tựa gấm, nước khe trong như ngọc.” Các ông bây giờ hiểu ý của Đại Long như thế nào? Câu trả lời của thầy ta chỉ cần liếc qua cũng thấy là kỳ đặc rồi.
Cho nên Tuyết Đậu mới tụng ra để cho thiên hạ biết rằng trăng lạnh gió cao lay động cội tùng trên vách cổ . Song thử nói xem, phải hiểu ý thầy ta như thế nào? Cho nên vừa rồi tôi mới nói rằn đó là ống sáo không lỗ đập lên tấm vản trải dạ. Chỉ bốn câu là đủ tụng hết rồi, Tuyết Đậu lại sợ thiên hạ rơi vào chỗ lập luận, cho nên nói rằng, “Vui thay gặp được người đạt đạo, không dùng ngữ mặc đối.” Việc này đã không phải là kiến văn giác tri lại cũng chẳng phải là tư lương phân biệt. Cho nên mới có câu nói, “Thẳng thắn không kiêm đới, độc văn dựa vào gì? Nếu gặp kẻ đạt đạo, chẳng dùng ngữ mặc đối.” Đây là câu tụng của Hương Nghiêm mà Tuyết Đậu dẫn dụng.
Há không nghe có ông tăng hỏi Triệu Châu, “Không dùng ngữ mặc để đối, chẳng hay dùng gì để đối?”Triệu Châu nói, “Trình cái thùng đen của ông ra.” Câu trả lời này cũng giống với lời của Đại Long, không rơi vào trong tình trần ý tưởng của các ông.
Giống cái gì cơ? Tay cầm roi ngọc trắng, đánh vỡ ngọc ly châu.” Cho nên lệnh của các Tổ Sư phải được thi hành, cắt đứt tất cả thiên chấp của thập phương. Đây là sựviệc trên lưỡi kiếm, cần phải có đảm lược như thế mới được. Nếu không như thế thì là cô phụ các bậc thánh từ xưa đến nay. Đến chỗ này rồi cần phải vô sự thì tự nhiên có cái hay của nó. Đó cũng chính là cách mà bậc hướng thượng cư xử.” Không đập vỡ” ắt đã làm nó có “thêm tì vết” rồi. Hẳn đã lậu đậu biết mấy.