Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

Chương 05: Quán Lục Chủng

Saturday, July 3, 201000:00(View: 4430)
Chương 05: Quán Lục Chủng

LONG THỌ BỒ TÁT Nāgārjuna
TRUNG LUẬN Mādhyamaka-Sāstra

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư CƯU-MA-LA-THẬP Kumārajīva
Việt dịch THÍCH NỮ CHÂN HIỀN
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo - Hà Nội PL. 2546 - DL. 2003

CHƯƠNG V: QUÁN LỤC CHỦNG[1]

Hỏi: Sáu đại chủng đều có tướng nhất định. Vì có định tướng nên có sáu đại chủng.

Đáp:

42)Tướng không khi chưa có,

Thì không pháp hư không.

Nếu trước có hư không,

Tức hư không, không tướng[2] [1] 

Nếu khi chưa có tướng hư không , mà đã có trước pháp hư không, thì hư không chẳng có tướng. Vì sao? Chỗ nào không có sắc, gọi đó là tướng hư không. Sắc là pháp được tạo tác, vô thường. Sắc nếu chưa phát sanh, mà chưa sanh thì không có hoại diệt, bấy giờ chẳng có tướng hư không. Nhơn sắc nên có chỗ không sắc. Chỗ không sắc đó được gọi là tướng hư không.

Hỏi: Nếu không có tướng mà có hư không thì có lỗi gì?

Đáp:

43)Trong tất cả mọi nơi,

Không có pháp không tướng.

Ở trong pháp không tướng[3],

Tướng không có sở tướng. [2]

Nếu đi tìm pháp không có tướng, ở trong pháp thường hay vô thường thì chẳng thể được[4]. Như Luận giả nói: “Là có, là không”; làm thế nào để biết? Vì mỗi cái đều có tướng trạng riêng của nó. Sanh, trụ, diệt là tướng hữu vi; không sanh, trụ, diệt là tướng vô vi. Hư không nếu không có tướng thì chẳng có hư không. Nếu nói rằng trước vốn không có tướng, sau tướng hiện đến để làm thành tướng trạng cũng không đúng. Nếu trước vốn không có tướng thì chẳng có pháp sở tướng. Vì sao?

44)Tướng trạng không tồn tại,

Trong có tướng, Không tướng.

Nó cũng không tồn tại,

Ngoài có tướng, không tướng. [3] 

Như có cục cổ, có đôi sừng, ở chót đuôi có lông, dưới cổ có diều thòng xuống gọi là tướng của con bò. Lìa những tướng ấy không có con bò. Nếu không có con bò thì các tướng ấy chẳng có chỗ an trú. Thế nên nói trong pháp không có tướng tất chẳng có sở tướng. Tướng cũng không tồn tại trong cái có tướng, vì trước đã có tướng. Như tướng lửa không tồn tại trong tướng trạng nước, vì trước đã có tự tướng. Lại nữa, nếu tướng tồn tại trong cái không có tướng, thế là không có nhân. Không nhân nghĩa là không có pháp mà lại có tướng, vì năng tướng và sở tướng thường làm nhân đối đãi nhau. Lìa pháp có tướng và không có tướng, chẳng thể có trường hợp thứ ba để có sở tướng. Thế nên lời tụng nói, “Tướng không tồn tại ngoài có tướng, không tướng.”

Lại nữa:

45)Vì năng tướng chẳng có,

Pháp sở tướng cũng không.

Pháp sở tướng không có,

Thì năng tướng cũng không. [4] 

tướng không có chỗ nào để an trụ nên chẳng có pháp sở tướng. Vì chẳng có pháp sở tướng nên pháp năng tướng cũng không. Tại sao? Nhơn năng tướng mới có sở tướng, nhơn sở tướng có năng tướng, vì chúng làm nhơn đối đãi nhau.

46)Thế nên không năng tướng,

Cũng chẳng có sở tướng.

Lìa tướng năng sở ra,

Làm thế nào có vật. [5] 

Trong pháp nhơn duyên suy cứu từ gốc đến ngọn không thể tìm thấytính chất quyết định của năng tướng và sở tướng. Vì không thể thấy có hai cái đó nên tất cả Pháp đều không. Bởi tất cả các pháp nhiếp thuộc ở năng tướng, sở tướng. Hoặc năng tướng tác thành sở tướng hay sở tướng tác thành năng tướng, như lửa lấy khói làm tướng, khói cũng lấy lửa làm tướng.

Hỏi: Nếu không có cái Hữu lẽ ra nên có cái Vô?

Đáp:

47)Giả sử không có Hữu,

Làm gì có cái Vô.

Hữu Vô đã là không,

Biết hữu vô là ai? [6]

Phàm sự vật gì tự nó hoại diệt hay bị cái khác hủy diệt gọi là Vô[5]. Cái Vô không tự nó có, mà nó có từ cái hữu thế nên nói: “Giả sử không cái hữu làm sao có pháp vô”. Cái mà mắt thấy được, tai nghe được còn không thể hiện hữu, huống hồ cái không hiện hữu.

Hỏi: Bởi không có pháp hữu nên pháp vô cũng không, vậy có thể có người biết đến cái hữu và cái vô ấy không?

Đáp: Nếu có người biết thì người đó phải thuộc về hữu hay thuộc về vô? Hữu và vô đã bị bác bỏ thì người biết cũng bị bác bỏ theo.

48)Thế nên biết hư không,

Chẳng Hữu cũng chẳng Vô,

Không năng không sớ tướng

Năm kia đồng Hư Không.[6] [7]

Cũng như hư không, bằng mọi cách vẫn không tìm thấy tướng trạng của nó, năm đại chủng còn lại cũng giống như thế.

Hỏi: Hư không, không ở trước, không ở sau, tại sao bị bác bỏ trước?

Đáp: Đất, nước, lửa, gió do các duyên hòa hợp cho nên dễ phá. Thức bởi do nhân duyên khổ vui nên biết nó vô thường, biến dị, vì vậy dễ phá. Hư không chẳng có tướng trạng như thế; chỉ do phàm phu hư vọng chấp có; thế nên phá hủy trước. Lại nữa, hư Không có khả năng duy trì tứ đại, do nhân duyên tứ đại mà có thức. Vì thế trước phá hủy căn bản, còn bao nhiêu tự phá hủy.

Hỏi: Người thế gian đều thấy các pháp; hoặc hiện hữu hoặc không hiện hữu. Tại sao riêng ông cùng thế gian trái ngược, nói rằng, “không có cách gì được thấy?”

Đáp:

49)Thiển trí chấp các Pháp,

Hoặc có tướng hay không.

Người đó không thể thấy,

Pháp an ổn diệt kiến. [8]

Nếu người chưa đắc đạo không thể trực nhận “Thật tướng các pháp.” Do nhân duyên ái và kiến mà phát khởi đủ thứ hí luận. Khi thấy các pháp phát sinh cho rằng có; chấp thủ tướng mà nói rằng hữu. Khi thấy hoại diệt thì cho là đoạn diệt, chấp thủ tướng mà nói là vô. Người có trí tuệ nhìn thấy các pháp phát sanh thì diệt trừ được kiến chấp về vô; thấy các pháp lúc hoại diệt liền hủy diệt kiến chấp hữu. Thế nên đối với tất cả pháp tuy có thấy, nhưng đều như huyễn như mộng. Cho đến kiến ở giai đoạn vô lậu đạo còn bị hủy diệt huống là những kiến chấp khác. Thế nên, nếu ai không thấy được pháp an lành do diệt trừ kiến chấp, người ấy sẽ thấy có hữu, thấy có vô.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Lục chủng cũng gọi lục giới hay lục đại, gồm có: địa, thủy, hỏa, phong, hư không và thức. 

[2] Trong sáu đại, bốn đại trước địa, thủy, hỏa, phong, người ta dễ nhận thức, vì nó có hình tướng đối tượng cảm xúc, nó là do nhân duyên hòa hiệp. Món thứ năm là hư không, là một thứ vô hình vô tướng tương đối khó lãnh hội hư không là có hay không có, hơn là các đại khác như địa đại, thủy đại…. Đặt nghi vấn hư không có tướng trạng hay không, hình như không phải cách. Song suy nghĩ kỹ, nếu hư không không có tướng pháp thì làm thế nào biết có hư không. Còn nói hư không có tướng thì nó cũng như tướng khác như: đất, nước v.v… sao gọi là hư không?

[3] Tướng, tiếng Phạn là lakwaịa, được hiểu là đặc tính, yếu tính, hay đặc trưng. Trong ngữ pháp, bất cứ một danh từ nào cũng đều có ít nhất một tính từ thích ứng để mô tả. Cũng vậy, không một tồn tại nào được nhận thức mà không mang trong nó yếu tính đặc trưng nào đó. TS

[4] Nói theo ngữ pháp, một pháp là một danh từ. Vô thường, v.v.. cho đến, có (hiện hữu, tính từ) hay không (không hiện hữu, tính từ), đều là những tính từ mô tả hay phẩm định danh từ đó. TS

[5] Vô, tiếng Phạn là abhàva, cái không tồn tại, hay không hiện hữu, không là cái gì cả. Tức là phủ định của cái đang tồn tại. Nếu không có cái đang tồn tại, nó không phủ định cái gì cả, do đó không chứng minh được nó là cái gì. Câu tụng ở đây , theo bản Phạn, có thể hiểu như vầy: trong khi không chứng minh được cái bhàva, thế thì cái abhàva sẽ là của cái gì” : kasyàbhàvo bhaviwyati. Cần lưu ý một chút về ngữ pháp trong câu tiếng Phạn này. Cả danh từ abhàva (vô, hay vô thể) và động từ hoạt dụng thời vị lai, trực thuyết, bhaviwyati (nó sẽ là) đều có chung ngữ căn là BHÙ (là). Cho nên câu tiếng Phạn nếu dịch sát tiếng Việt sẽ là “ cái-không-là sẽ là.” Đó là một mệnh đề mâu thuẩn nội tại. TS

[6] Hư khôngvô tướng nên không có trú xứ. Không trụ xứ chứ không phải không trú chỗ nào. Vì hư không mặc dù không hình tướng song nó là cái khả tướng (đáng gọi là tướng) một thứ đối tượng trống rỗng so sánh với tướng đông đặc như đất, đá v.v.. Người trí nên hiểu rằng đất, nước, gió, lửa là yếu tố nhân duyên thì hư không kia cũng thế. Đất, nước.. kia không thể nói là có thật tướng, thì hư không, một đại trong sáu đại cũng là như thế. Biết có hình tướng đặc chất là nhờ có hư không trống rỗng. Biết có hư không vì nó không phải đặc chất, chấp có chấp khôngvọng chấp.

Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant