- Lời Của Dịch Giả
- Chương 01: Quán Nhân Duyên
- Chương 02: Quán Khứ Lai
- Chương 03: Quán Lục Tình
- Chương 04: Quán Ngũ Ấm
- Chương 05: Quán Lục Chủng
- Chương 06: Quán Pháp Nhiễm Người Nhiễm
- Chương 07: Quán Ba Tướng
- Chương 08: Quán Tác, Tác Giả
- Chương 09: Quán Bổn Trụ
- Chương 10: Quán Nhiên, Khả Nhiên
- Chương 11: Quán Bổn Tế
- Chương 12: Quán Khổ
- Chương 13: Quán Hành
- Chương 14: Quán Hiệp
- Chương 15: Quán Hữu Vô
- Chương 16: Quán Phược Giải
- Chương 17: Quán Nghiệp
- Chương 18: Quán Pháp
- Chương 19: Quán Thời
- Chương 20: Quán Nhơn Quả
- Chương 21: Quán Thành, Họai
- Chương 22: Quán Như Lai
- Chương 23: Quán Điên Đảo
- Chương 24: Quán Tứ Đế
- Chương 25: Quán Niết-bàn
- Chương 26: Quán Thập Nhị Nhơn Duyên
- Chương 27: Quán Tà Kiến
LONG THỌ BỒ TÁT Nāgārjuna
TRUNG LUẬN Mādhyamaka-Sāstra
Hán dịch: Tam tạng Pháp sư CƯU-MA-LA-THẬP Kumārajīva
Việt dịch THÍCH NỮ CHÂN HIỀN
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo -
CHƯƠNG II: QUÁN KHỨ LAI[1]
Hỏi:
Theo cái thấy bằng con mắt của thế gian, có tác động trong ba thời, tức là cái
đã đi cái chưa đi; và cái đang đi[2]. Vì có tác động nên biết có các Pháp.
Đáp:
1) Cái đã đi không đi.
Chưa đi cũng không đi.
Ngoài cái đã và chưa,
Đang đi cũng chẳng đi.[3]
Cái đã đi không đi, vì đã đi. Nếu lìa sự đi mà có tác nghiệp đi[4] thì không đúng. Cái chưa đi cũng không đi, vì sự kiện đi[5] chưa có. Cái đang đi có nghĩa một nữa đi, nữa chưa đi; vì nó không ngoài đã đi và chưa đi.
Hỏi:
2) Có đi trong cử động[6];
Trong ấy có đang đi,
Chứ không phải đã, chưa,
Vậy đang đi có đi[7].
Tùy theo chỗ nào có tác nghiệp thì chỗ ấy có sự kiện đi. Theo cái thấy của con mắt, có tác nghiệp trong khi đang đi. Trong cái đã đi thì tác nghiệp đã diệt; trong cái chưa đi thì chưa có tác nghiệp. Thế nên biết trong khi đang đi có sự đi.
Đáp:
3) Làm sao khi đang đi,
Mà có sự kiện đi[8]?
Nếu lìa sự kiện đi,
Cái đang đi không thể.
Cái đang đi có sự kiện đi, điều này không đúng. Vì sao? Lìa sự kiện đi không có cái đang đi. Nếu lìa sự kiện đi mà có cái đang đi[9] thì mới có thể nói trong cái đang đi có sự kiện đi, cũng như trong đĩa kia có trái cây[10].
Lại nữa:
4) Nếu nói đang đi đi,
Nói như vậy là sai.
Lìa đi, có đang đi,
Đang đi, đi một mình[11].
Nếu nói rằng không có sự kiện đi trong cái đã đi và chưa đi, nhưng cái đang đi thật sự có đi[12]; nói như vậy là sai. Nếu lìa sự kiện đi mà có cái đang đi thì không cần đến sự làm nhân cho nhau. Tại sao? Nếu nói cái đang đi có sự kiện đi, như vậy là có hai sự đi. Nhưng sự thật không như vậy. Do đó không thể nói lìa sự kiện đi có cái đang đi.
Lại nữa:
5) Nếu đang đi có đi[13];
Thì có hai sự đi:
Một là cái đang đi,
Hai, sự đi đang đi[14]
Nếu nói cái đang đi có sự đi, nói như vậy là sai lầm ở chỗ có hai sự đi: một là do sự kiện đi mà có cái đang đi, hai là trong cái đang đi có sự kiện đi.
Hỏi: Nếu có hai sự đi có lỗi gì?
Đáp:
6) Có hai sự kiện đi,
Thì có hai người đi[15].
Vì lìa người đi ra,
Sự đi không thể được.
Nếu có hai sự kiện đi, tức có hai người đi. Vì sao? Do sự kiện đi mà có người đi. Một người mà có hai sự kiện đi và hai người đi thì chẳng đúng. Thế nên cái đang đi cũng không đi.
Hỏi : Lìa người đi không có sự kiện đi, thì có thể đúng. Nhưng nay trong ba thời quyết định có người đi.
Đáp:
7) Nếu lìa người đi ra,
Sự đi chẳng thể được.
Vì chẳng có sự đi;
Làm gì có người đi?
Nếu lìa người đi; sự kiện đi chẳng thể được. Nay làm thế nào trong sự kiện không đi mà nói rằng ba thời quyết định có người đi?
Lại nữa:
8) Người đi thì không đi,
Người không đi chẳng đi.
Lìa người đi, chẳng đi,
Không người đi thứ ba.
Không có người đi, vì sao? Nếu có người đi thì có hai trường hợp: hoặc là người đi, hoặc là người không đi. Ngoài hai người này, chẳng có người thứ ba.
Hỏi: Nếu người đi có đi thì có lỗi gì?
Đáp:
9) Nếu nói người đi đi;
Làm gì có nghĩa này.
Nếu lìa sự đi ra,
Người đi, không thể được.
Nếu nói, quyết định có người đi thực hiện sự kiện đi; nói thế thì không đúng. Tại sao? Vì lìa sự kiện đi, người đi không thể được. Nếu lìa người đi mà quyết định có sự kiện đi thì người đi mới có thể thực hiện sự kiện đi, nhưng sự thật chẳng phải vậy.
Lại nữa:
10) Nếu người đi có đi,
Thì có hai thứ đi
Một là người đi đi,
Hai là cái đi đi.
Nếu nói người đi thực hiện sự kiện đi thì có hai lỗi, là trong một người đi mà có hai sự đi: Một là do sự kiện đi tựu thành người đi, hai do người đi tựu thành sự kiện đi. Người đi đã tựu thành rồi, sau mới thực hiện sự đi. Điều ấy không đúng, thế nên trong 3 thời quyết định có người đi dùng cái đi, chẳng đúng.
Lại nữa:
11) Nếu nói người đi đi,
Nói vậy là sai lầm.
Lìa đi có người đi.
Người đi có sự đi.
Nếu nói người đi thực hiện sự kiện đi thì có lỗi: lìa sự kiện đi có người đi. Tại sao? Nói rằng người đi thực hiện sự kiện đi; thế là người đi có trước, sau mới có sự kiện đi. Nhưng điều đó không hợp lý. Ba thời không có người đi. Lại nữa, nếu quyết định có sự đi và người đi thì phải có sự cất bước đầu tiên nhưng trong ba thời không tìm thấy có sự cất bước. Vì sao?
12) Đã đi chẳng cất bước[16];
Chưa đi không cất bước;
Đang đi không cất bước;
Cất bước vào lúc nào?
Vì sao trong ba thời không có sự cất bước?
13) Trong khi chưa cất bước[17],
Không đang đi, đã đi.
Hai sự ấy mới cất,
Chưa đi đâu cất bước?
14) Không đã đi, chưa đi,
Cũng là không đang đi,
Tất cả chẳng cất bước,
Vậy sao lại phân biệt.
Nếu một người chưa cất bước thì không đang đi, cũng không đã đi. Nếu có sự cất bước, thì chỉ có trong hai trường hợp: Trong đã đi và đang đi. Nhưng cả hai đều chẳng đúng. Còn khi chưa đi thì vì chưa có sự cất bước, do đó trong trường hợp chưa đi làm gì có cất bước, không có sự cất bước cho nên không có sự đi. Không có sự đi, nên chẳng có người đi. Vậy làm thế nào có sự đã đi, chưa đi và đang đi?
Hỏi: Nếu không có sự đi, không có người đi, thì có sự đứng, người đứng?
Đáp:
15) Người đi thì chẳng đứng[18],
Người không đi chẳng đứng.
Ngoài người đi, không đi,
Người thứ ba nào đứng?
Nếu nói có sự đứng, có người đứng, thì phải nói người đi ấy đứng hay là người không đi ấy đứng? Lìa hai trường hợp này ra mà có người thứ ba đứng thì điều đó chẳng đúng.
Người đi mà không đứng là vì sự đi chưa chấm dứt. Ngược lại đi gọi là đứng. Người không đi cũng chẳng đứng. Tại sao? Nhơn sự kiện đi chấm dứt mới có đứng; không đi thì chẳng đứng. Lìa cái người đi và cái người không đi, không có người thứ ba nào đứng. Nếu có người thứ ba nào đứng thì người ấy chỉ có thể là người đi hay người không đi. Vì thế, không thể nói người đi nào đó đứng.
Lại nữa:
16) Người đi mà là đứng.
Làm gì có nghĩa này;
Nếu lìa sự kiện đi,
Người đi chẳng thể có[19].
Ông nói rằng: “Người đi ấy đứng” điều này không đúng. Vì sao? Lìa sự kiện đi, người đi chẳng thể có. Nếu người đi ở trong tình trạng đi, thì làm thế nào có thể đứng? Đi và đứng trái hẳn nhau vậy.
Lại nữa:
17) Chưa đi thì không đứng;
Đang đi cũng chẳng đứng;
Mọi biến hành, đình chỉ,
Đều cùng nghĩa sự đi.
Nếu nói người đi có đứng thì người này phải đứng ở trong ba trường hợp đã đi, chưa đi và đang đi. Nhưng cả ba trường hợp chẳng có đứng. Thế nên ông nói người đi có đứng là không đúng. Cũng như sự bác bỏ sự kiện đi và sự kiện đứng, sự bác bỏ các sự kiện biến hành và đình chỉ cũng giống như vậy. Sự biến hành là như từ hạt giống lúa tương tục đến khi nảy mầm đâm chồi, trỗi lá v.v… Sự đình chỉ chỉ là hạt giống lúa mục rã, thì mầm, nhánh, lá cũng rã. Sự tương tục là sự biến hành. Sự gián đoạn là sự đình chỉ.
Lại như duyên vô minh mà có các hành cho đến lão tử, thì gọi là hành[20]. Vô minh diệt nên các hành diệt v.v… gọi là chỉ.
Hỏi: Ông tuy bằng mọi cách bác bỏ sự đi, người đi; sự đứng, người đứng. Mà theo cái thấy của con mắt thì vẫn có sự đi, đứng.
Đáp: Cái thấy của con mắt thịt chẳng thể tin. Nếu thật có sự đi, người đi, thì do một pháp thành hay hai pháp thành tựu? Cả hai đều có lỗi. Vì sao?
18) Sự đi tức người đi,
Điều ấy thì không đúng.
Sự đi khác người đi,
Điều ấy cũng chẳng đúng.
Nếu sự kiện đi và người đi là một thì không đúng, mà khác cũng chẳng đúng.
Hỏi: Một và khác có lỗi gì?
Đáp:
19) Nếu nói sự kiện đi,
Cũng chính là người đi.
Tác giả và tác nghiệp,
Cả hai phải là một.
20) Nếu nói sự kiện đi,
Có khác với người đi.
Lìa người đi có đi,
Lìa đi, có người đi.
Cả hai trường hợp như vậy đều có lỗi, tại sao? Nếu sự kiện đi tức là người đi, thế là thác loạn phá hủy nhân duyên. Do sự đi mà có người đi; nhơn người đi mới có sự đi. Lại sự đi là pháp, người đi là nhân. Nhân thì vốn thường, mà pháp thì vốn vô thường. Nếu cả hai là một thì cả hai hoặc đều là thường, hoặc đều là vô thường. Nếu cả hai là một thì có những lỗi như thế. Nếu chúng khác nhau thì sẽ có sự mâu thuẫn, chưa có sự kiện đi mà lại có người đi, chưa có người đi mà lại có sự kiện đi. Chúng chẳng có quan hệ nhau. Như vậy, sự kiện này chấm dứt mà sự kiện kia vẫn tồn tại. Trong trường hợp chúng khác nhau cũng có lỗi như thế.
Lại nữa:
21) Sự đi và người đi,
Dù một hay dù khác,
Cả hai đều bất thành,
Trường hợp nào chứng thành.
Nếu người đi và sự kiện đi được chứng thành rằng chúng là một, hay được chứng thành rằng khác. Cả hai trường hợp đều không thể. Ở trên đã nói chẳng có sự kiện thứ ba nào được chứng thành. Nếu nói có tựu thành thì phải nói rằng: Đó chỉ là do nhân duyên. Ở đây cần nói thêm về không có sự đi và không có người đi.
22) Nhơn đi biết người đi,
Không cần sự đi đó.
Trước chẳng có sự đi,
Nên không người đi đi.
Với sự kiện đi nào mà người đi được biết đến thì chính người đi ấy chẳng thể thực hiện sự đi ấy. Vì sao? Vì khi mà sự kiện đi chưa có, thì không có người đi, cũng không có cái đang đi, đã đi và sẽ đi. Ở đây không phải như trường hợp trước tiên có con người, có thành ấp rồi mới có sự đi đến. Bởi vì, ở đây người đi được chứng minh do sự kiện đi, và sự kiện đi được chứng thành do bởi người đi.
Lại nữa:
23) Nhơn đi biết người đi,
(Người đi) không cần sự đi khác.
Vì trong một người đi,
Không có hai sự đi.[21]
Với sự kiện đi nào mà người đi được biết đến, thì người đi ấy không thể thực hiện sự đi khác. Tại sao? Trong một người đi không thể có hai sự kiện đi.
24) Người đi quyết định có,
Không dùng ba sự đi.
Người đi không quyết định,
Cũng không ba sự đi.
25) Sự đi định, không định,
Người đi chẳng dùng ba.
Nên sự đi, người đi,
Chỗ đi
đến đều không.
Quyết định có nghĩa là vốn thật có, chẳng nhơn sự kiện đi mà phát sanh. Sự kiện đi là sự cử động của thân. Ba sự đi là cái đã đi, chưa đi và đang đi. Nếu người đi quyết định có, thì lìa sự kiện đi mà có người đi; chứ không thể có sự đứng. Do đó, người đi quyết định có, thì nó không thể thực hiện ba sự đi.
Giả sử người đi không quyết định có. Không quyết định nghĩa là vốn thật sự không có. Nhưng nhơn sự kiện đi mà có thể nói đến người đi. Vì không có sự kiện đi nên người đi mà không thực có thì không thể thực hiện ba sự đi. Nhơn sự kiện đi mà có người đi. Nếu trước tiên không có sự kiện đi thì chẳng có người đi; làm sao có thể nói: người đi không quyết định có mà có thể thực hiện ba sự đi? Như trường hợp người đi, sự kiện đi cũng thế. Nếu trước lìa người đi mà quyết định có sự kiện đi thì không do người đi mà có sự kiện đi. Thế nên người đi chẳng thể thực hiện ba sự kiện đi. Nếu quyết định không có sự kiện đi thì cần gì đến người đi. Như thế, suy nghĩ quan sát: sự kiện đi, người đi, chỗ đi đến đều do tương quan mà tựu thành. Nhơn sự kiện đi mà có người đi, do có người đi nên có sự kiện đi, nhơn hai sự thể này mà có chỗ đi đến, chứ chẳng thể nói: Quyết định có hay quyết định không.
Thế nên, quyết
định biết ba pháp hư vọng không thật, chỉ có giả danh, như huyễn như hóa.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Chương này không dễ nắm bắt với những vị chưa làm quen với ngữ pháp Sanskrit; vì những phân tích về sự thành lập các từ ngữ và quan hệ giữa các từ ngữ đều dựa trên các quy luật ngữ pháp Sanskrit rất phức tạp. Một số chú thích Skt. sẽ cần thiết. TS
[2] Hán: dĩ khứ, vị khứ, khứ thời; Skt. gata (quá khứ phân từ của động GAM: đi); agata (phủ định của gata), gamyamàna (hiện tại phân từ thụ động của GAM). Ts
[3] Quán khứ lai là thảo luận về thời gian và vị trí di dịch của sự vật, khứ nghĩa là đi (Skt. gata), chỉ thời gian đi qua. Lai là đến (Skt. àgata) là nói thời gian đến. Thời gian chia làm 3 giai đoạn: quá khứ hiện tại và vị lai. Làm thế nào người ta minh định thật tại môi giới giữa thời gian quá khứ và thời gian vị lai, nghĩa là ranh giới thời gian đã qua và thời gian chưa đến (dĩ khứ, vị lai)? Thời gian khoảng giữa, đã đi (dĩ khứ) và chưa đến (vị lai), phải chăng đó gọi là hiện tại? Đây là vấn đề được Ngài Long Thọ đưa ra thảo luận.
Trong bài tụng 17, 18 và 19, Bồ tát Long Thọ đưa ra những nghi vấn về dĩ khứ, vị khứ và khứ thời (lúc chuyển động đi). Dĩ khứ là chỉ động tác đã đi, vị khứ là chỉ động tác chưa đi, khứ thời là chỉ động tác đang lúc chuyển động. Nếu đã đi tức là nói đến động tác đã đi rồi (dĩ khứ). Đi rồi đâu còn gì nữa mà nói có đi (hữu khứ). Còn chưa đi (vị khứ) là nói chưa có sự động tác di dịch, thì không thể nói rằng có đi. Ngoài cái đi và chưa đi mà có cái lúc đi (khứ thời) là không đúng. Vì khứ thời là chỉ lúc động tác. Dĩ khứ và vị khứ không có thì chính khứ thời cũng không thể có được. Do đó, từ câu 20, 21 Long Thọ Bồ Tát nhấn mạnh giải bày cái lầm lỗi ấy.
[4] Hán: khứù nghiệp; Skt. gata-karma, hành động đi (vận chuyển). TS
[5] Hán: khứ pháp; Skt. gata-dharma= gati, danh từ được lập từ động từ GAM để chỉ trang thái. Hán cũng dịch là thú trong từ lục thú tức sáu nẽo luân hồi. TS
[6] Hán: động xứ; Skt. cewỉa: sự cử động tay chân; sự vận động, hành động. TS
[7] Hán: khứ thời khứ; Skt.: gamyamàne gatis, “có sự đi trong sự đang đi.” Chủ thể đi được chứng minh bằng hành vi đang đi. TS
[8] Hán: khứ pháp ở đây, Skt.: gamana, chỉ tác động đi; không đồng nhất với khứ pháp trong bài tụng 2 ở trên, mà Skt. là gati, chỉ trạng thái vận động. TS
[9] Tham chiếu Skt.: gamyamànam agamanaư, “tác động không đi trong hiện tại đang đi.” Cấu trúc ngữ pháp của luận lý ở đây khá tế nhị. Hiện tại phân từ thụ động gamyamàna (đang đi) và danh từ chỉ hành động agamana đều đồng cách, cho thấy phát biểu tuy hợp quy tắc theo ngữ pháp nhưng tự mâu thuẩn trong khái niệm. TS
[10] Theo thí dụ này thì quan hệ đồng cách (xem cht. 4 trên) được giải thích là quan hệ môi trường hay sở y (đệ thất chuyển thanh).TS
[11] Tham chiếu Skt.: (...) gamyamànaư hi gamyate, phân từ hiện tại (gamyamànaư) làm chủ từ cho động từ chia ở thể thụ động (gamyate), thì hiện tại. TS
[12] Xem cht. 6 trang trước. TS
[13] Skt.: gamana-dvayaư: hai hành động đi. TS
[14] Hán: khứ thời khứ. Skt.: atra gamanaư, bản thân hành động đi. TS
[15] Skt. gantf, chủ thể (nhân cách) đi. TS
[16] Hán: dĩ khứ trung vô phát. Cát Tạng giải thích, phát tức phát túc: dở chân lên; “Thế gian nói, đi nghìn dặm đường, đều nhân bởi sự phát túc.” Skt. : gate nàrabhyate gantum, “(nó) không bắt đầu đi trong cái đã đi.” Ở đây dùng động từ ở thể vô hạn (gantum) để chỉ ý hướng vận động. TS
[17] Hán: vị phát. Skt.: pùrvaư gamanàrambhàd, trước khi khởi sự đi. TS
[18] Hán: trụ. Skt. tiỉhati, đình trú, đứng hay dừng lại. TS
[19] Thời gian chuyển động liên lĩ vô tận, nó không có hình tướng môi giới, nên khó phân định ranh giới của thời gian, động tác quá khứ, hiện tại và vị lai. Quá khứ không có thì hiện tại, vị lai cũng không. Quá khứ đã qua, vị lai chưa đến, hiện tại không an trụ. Sự tương quan tương duyên giữa động chuyển thời gian, vị trí không gian, là một thứ triền miên tế nhị. Nếu vọng tâm cố chấp như thế này, thế khác, đều là sai lầm vọng kiến. Bởi mọi sự vật một khi có cái này, thì có cái khác. Khó hoặc không thể nói cái này có trước cái kia. Cái đã đến chính là cái chưa đến trước kia, cái chưa đến chính là cái đã rồi sắp đến. Nó xoay vần như bánh xe quay tròn không biết đâu là đầu mối trước sau, sau trước của thời gian. Chỉ do khái niệm của con người đặt ra một ngày đêm 24 tiếng đồng hồ, một tháng 30 ngày, một năm 12 tháng, bốn mùa xuân hạ thu đông. Ban ngày là chỉ chỗ nào quả đất xoay đúng chiều hướng mặt trời rọi sáng, ban đêm là chỉ nơi nào quả đất chưa xoay qua hướng mặt trời. Như thế trong khi các nước phương Đông, như nước V.N chẳng hạn, trời sáng gọi là ban ngày, thì trong lúc ấy các nước nằm trong khu vực Tây phương quả đất xoay chưa đến hướng mặt trời thì gọi là ban đêm. Như thế thời gian ngày đêm sáng tối là dựa vào quả đất xoay và mặt trời, thời gian tự nó không phân biệt có sai khác, cũng như xuân nở, thu tàn, hạ nhiệt, đông hàn, bốn mùa trong một năm, và năm nào cũng như năm nấy, bằng sự hạn định nhân tạo 365 ngày, 100 năm là một thế kỷ….
[20] Hành (Skt. saưskàra) trong 12 nhân duyên đồng âm nhưng không đồng nghĩa với hành trong biến hành (Skt. sampravftti) ở đây.
[21] Một người trong lúc di chuyển gọi đó là đi (khứ) trong lúc đi, chính là lúc nó cũng đang qua, lúc đang, thì không thể có cái chưa đến; người chưa đi, cũng không có hành động đi (khứ pháp) thì sự đã đi, đang đi và khi đi (dĩ khứ, hiện khứ, thời khứ) cũng không căn cứ vào đâu mà gọi là đi… Chân tánh thật thể bổn lai không có khứ lai , đông tây nam bắc, mà không chỗ nào không lúc nào, chân tánh bản thể không hiển hiện, chỉ vì nhơn loại chúng sanh mê muội vô minh, do đó có phân biệt là một là hai, khác và không sai khác, đi đến chỗ thiên kiến cố chấp hư vọng; Cố chấp, là sự trở lực to lớn đối với đạo giải thoát.