Khi bắt đầu thiền định, một trong những cách thức để tăng trưởng Bồ đề tâm và lòng bi mẫn là thực hành cho và nhận (Tạng ngữ: Tong-len). Trong thiền định này, chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang nhận về khổ đau và những nguyên nhân khổ đau của chúng sinh khác; đổi lại, chúng ta trao cho họ hạnh phúc và những nguyên nhân của hạnh phúc của bản thân. Ai đó có thể hỏi rằng liệu chúng ta có thể thực sự chuyển cho chúng sinh khác những nguyên nhân hạnh phúc của bản thân. Thực sự, chúng ta không thể, nhưng điều mà chúng ta đang cố gắng làm thông qua thiền định này là phát triển gốc rễ, hạt giống của khả năng thực sự làm vậy trong tương lai. Hạt giống của điều này là lòng bi mẫn, Bồ đề tâm. Với thiền định này, chúng ta đang cố gắng tăng cường Bồ đề tâm, điều có thể được so sánh với cam lồ hay thuốc chữa lành. Thực sự, nó có tác dụng quan trọng, tức là tăng trưởng lòng bi mẫn và Bồ đề tâm của chúng ta. Mức độ mà chúng ta xoay xở để tăng trưởng và phát triển lòng bi mẫn sẽ quyết định mức độ mà chúng ta có thể thực sự giúp đỡ chúng sinh khác. Vì thế, nếu ai đó hỏi rằng, “Với thiền định này, bạn có thể thực sự nhận về khổ đau của chúng sinh hay không?”, câu trả lời là “Ngắn hạn thì không, nhưng dài hạn thì có”. Đó là lý do mà chúng ta tiến hành thiền định này.
Một số người lo lắng về kiểu thiền định này. Họ nghĩ rằng bằng cách tưởng tượng hay quán tưởng trao hạnh phúc cho chúng sinh khác, họ đang cho đi hạnh phúc của bản thân và đánh mất nó. Họ cũng tin rằng bằng cách tưởng tượng rằng họ đang nhận về khổ đau của chúng sinh khác, mọi đau đớn thống khổ sẽ chất chồng trong họ đến mức khổ đau trở nên hoàn toàn không thể chịu đựng. Nhưng không cần phải lo lắng như vậy, bởi thực sự sẽ chẳng xảy ra chuyện gì. Thực tế là, cách nghĩ này xảy ra bởi chúng ta vốn đã quen với việc suy nghĩ theo cách thức ích kỷ trong thời gian dài. Việc chúng ta cảm thấy như vậy lúc bắt đầu là chuyện rất tự nhiên, nhưng chúng ta cần hiểu rằng thực sự chẳng có nguy hiểm nào của việc mất đi hạnh phúc của bản thân và nhận về rất nhiều khổ đau. Thiền định cho và nhận không giống như việc buôn bán bởi chúng ta không thực sự đổi chác vật thật. Chúng ta không có sức mạnh để khiến mọi chuyện xảy ra nhanh chóng đến vậy về mặt nhân và quả. Nhưng chúng ta có thể băn khoăn, “Nếu chẳng có chuyện gì xảy ra thì mục đích là gì? Tại sao tôi phải bận tâm đến việc thiền định theo cách này nếu tôi không thể thực sự nhận về bất kỳ khổ đau nào và cũng chẳng thể cho đi hạnh phúc của bản thân?”. Nhưng thiền định này cũng có mục đích bởi mặc dù chúng ta hiện nay không thể tiến hành sự trao đổi, chúng ta đang phát triển lòng bi mẫn và Bồ đề tâm, phát triển chúng đến mức mà sau này, chúng sẽ đem đến khả năng thực sự giúp đỡ theo cách thức như vậy. Thực hành này là nền tảng để sau này trở nên có khả năng nhận về khổ đau của chúng sinh khác và trao cho họ hạnh phúc. Đấy là lý do mà nó là một thực hành ý nghĩa và quan trọng đến vậy.
Đa số chúng ta có lẽ đã biết về thiền định cho – nhận, nhưng với những vị không biết, nguyên tắc cơ bản là việc cho và nhận được đồng bộ với hít thở. Khi thở ra, chúng ta tưởng tượng rằng chúng ta gửi đi ánh sáng trắng ngời. Ánh sáng trắng ngời này đến với tất cả chúng sinh, những vị được quán tưởng trước chúng ta. Khi ánh sáng trắng này chạm vào họ, chúng ta nghĩ rằng tất cả hạnh phúc của chúng ta cùng các nguyên nhân của hạnh phúc giờ đây thuộc về họ. Chúng ta nghĩ rằng họ cảm thấy thực sự hạnh phúc và hài lòng. Khi hít vào, chúng ta nghĩ rằng mọi khổ đau, mọi đau đớn, mọi lo âu, rắc rối và điều xấu của mọi chúng sinh đang đến với chúng ta dưới dạng ánh sáng đen. Khi ánh sáng này chạm vào chúng ta, chúng ta nghĩ rằng bây giờ, tất cả những chúng sinh này thoát khỏi mọi vấn đề và khổ đau của họ và rằng họ cảm thấy rất hạnh phúc.
Nguồn Anh ngữ: Sending and Receiving Practice Thrangu Rinpoche (https://namobuddhapub.org/zc/).
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.