Orgyen Tobgyal Rinpoche giảng tại Sukhavati, Baad Sarow, Đức 31/07/2018
Trong chuyến viếng thăm kéo dài một tuần đến trung tâm chăm sóc Sukhavati vào mùa hè năm 2018, Orgyen Tobgyal Rinpoche[1] được thỉnh cầu nói về các Bardo (những trạng thái chuyển tiếp), một nét đặc trưng độc đáo của giáo lý Phật giáo Tây Tạng. Sự giải thích mà Ngài chia sẻ xen lẫn các chỉ dẫn về thực hành Sur (cúng dường được đốt), điều đặc biệt hướng đến chúng sinh Bardo. Thực hành Sur mà Rinpoche nhắc đến là ‘Cúng Dường Sur Trắng Bao Trùm Mọi Cõi Phật’ của Tổ Jigme Lingpa, thứ xuất hiện trong những trích dẫn. Trong bài nói chuyện, Rinpoche nêu ra một số điểm đặc biệt thú vị mà tất cả chúng ta đều có thể được lợi lạc.
Hôm nay, tôi được yêu cầu nói về các Bardo. Tôi tin rằng ngày nay, mọi người đều từng nghe nói điều gì đó về chủ đề này; nhưng tôi không cho rằng tôi có thể nói về chúng một cách rất chi tiết ở đây.
Trong tác phẩm nổi tiếng – Abhidharmakosha [A-tì-đạt-ma-câu-xá luận], Acharya Vasubandhu [Tôn giả Thế Thân] trình bày những giáo lý mà chính Đức Phật đã ban về các Bardo, được chứa đựng trong các Kinh điển. Trong truyền thống Tây Tạng, chúng ta cũng có nhiều thông tin về Bardo từ các ‘Delok[2]’, những người quay trở về từ cái chết và tường thuật lại mọi trải nghiệm mà họ đã trải qua. Cũng có những giáo lý mở rộng về Bardo được tìm thấy trong truyền thống Dzogpa Chenpo [Đại Viên Mãn]. Như các giáo lý này tuyên bố, “Những vị thượng căn được giải thoát trong Bardo đời này, những vị trung căn được giải thoát trong Bardo thời điểm chết …” và v.v. Các truyền thống Dzogchen khác nhau trình bày Bardo theo những cách hơi khác, ví dụ, một số nói về bốn Bardo trong khi số khác nói đến sáu.
Tuy nhiên, nguồn kiến thức chính yếu của chúng ta về Bardo đến từ truyền thống Karling Shitro, pho giáo lý về chư Tôn An bình và Phẫn nộ do Karma Lingpa phát lộ. Những giáo lý này bao gồm Bardo Todrol, thường được biết đến là ‘Tử Thư Tây Tạng’, nhưng được dịch chính xác hơn là ‘Đại Giải Thoát Nhờ Nghe Trong Bardo’. Cá nhân tôi không biết cách giải thích những giáo lý này. Như tôi từng nói với các bạn nhiều lần trước đây, tôi không biết cách dạy Dzogchen. Nếu thực sự muốn nghe nhiều hơn về chúng, bạn cần hỏi một ‘đạo sư Dzogchen’. Tôi thì không phải là đạo sư Dzogchen! Nhưng để chiều lòng các bạn và bởi các bạn đã đưa ra thỉnh cầu này với tôi, tôi cảm thấy tôi cần nói gì đó về các Bardo ở đây.
Ngay lúc này, chúng ta đang trong Bardo đời này, thứ kéo dài từ khoảnh khắc chúng ta chào đời cho đến khoảnh khắc chúng ta từ bỏ xác thân của mình lúc chết. Theo sau điều này là Bardo thời khắc chết, thứ kéo dài từ khoảnh khắc chúng ta chết – khi mà mọi hình tướng liên quan đến đời quá khứ của chúng ta tan rã – cho đến khi các hình tướng của Bardo tiếp theo hiển bày. Đây là thời điểm mà chúng ta được bảo hãy thực hành Phowa (sự chuyển di), nếu chúng ta biết cách. Trong truyền thống Dzogchen, có nhiều chỉ dẫn để dẫn dắt người lâm chung trong Bardo này, đặc biệt để chỉ ra bản tính của tâm họ. Nếu bạn có thể hiện thực hóa những chỉ dẫn này, nếu bạn có thể nhận ra bản tính của tâm khi nó được chỉ ra cho bạn, bạn có thể được giải thoát.
Trong Bardo này, các yếu tố của thân bạn lần lượt tan rã qua các giai đoạn khác nhau và những chỉ dẫn mà bạn được trao cũng tuân theo trình tự này. Trong lúc còn sống, nếu bạn đã thực hành thiền định và đạt được một chút quen thuộc với bản tính của tâm, bạn có thể được giải thoát vào lúc này.
Vào lúc chết, các hình tướng của Pháp thân tự nhiên hiển bày. Nếu bạn có thể nhận ra bản tính của tâm bạn vào lúc đó – chính là bản tính của tâm đã được đạo sư của bạn giới thiệu cho bạn và bạn đã làm quen và ổn định nhờ thực hành – thì sự nhận ra đó sẽ hòa quyện với các hình tướng của Pháp thân và trở thành một. Trong khoảnh khắc đó, bạn có thể được giải thoát.
Ở đây có ví dụ về một chiếc bình. Không gian bên trong chiếc bình được so sánh với sự nhận ra bản tính của tâm bạn. Bên ngoài chiếc bình là không gian bao la, vô tận. Trong Bardo, không gian bên ngoài này là cõi giới trí tuệ bất biến của Pháp giới, thứ có thể được chứng ngộ vào lúc chết. Ngay lúc này, bản tính của tâm, thứ mà chúng ta nhận ra, cảm thấy tách biệt với không gian lớn hơn đó bởi vỏ bọc thân thể và thức của chúng ta. Lúc chết, điều đó giống như phá vỡ chiếc bình – không gian bên trong chiếc bình và không gian bên ngoài hòa quyện và trở thành một. Khoảnh khắc mà thức của chúng ta tách rời khỏi thân lúc chết thì giống như bình bị vỡ. Bản tính của tâm chúng ta sau đó sẽ hòa quyện bất khả phân với cõi Pháp giới. Nó giống như rót nước từ chiếc cốc này vào đại dương – nước hòa vào và trở thành một với đại dương.
Làm sao chúng ta có thể tận dụng cơ hội này vào lúc chết? Bạn cần phải được thầy của bạn giới thiệu về bản tính của tâm, sau đó thực hành và đạt được một chút ổn định trong đó. Nếu bạn vẫn chưa thực hành và ổn định sự nhận ra đó, bạn sẽ không thể đạt giải thoát vào lúc này. Đấy là lý do mà dẫu cho chúng ta trước tiên nói về sự nhận ra, sau đấy, chúng ta nhấn mạnh vào sự rèn luyện, để chúng ta có thể phát triển một chút ổn định trong sự nhận ra. Nếu bạn đã nhận ra bản tính của tâm bạn và ít nhất cũng rèn luyện đến một mức độ nào đó trong việc ổn định sự nhận ra đó, điều này là đủ để bạn được giải thoát. Điều đó giống như có một đám đông nghìn người – nếu mẹ bạn ở đâu đó trong số họ, bạn sẽ lập tức có thể nhận ra. Đó là điều mà chúng ta gọi là ‘giải thoát của tịnh quang mẹ và con gặp gỡ’. Như bản văn có nói, “Nguyện con giải thoát, tự nhiên như đứa con ùa vào lòng mẹ![3]”
Lời cầu nguyện tiếp tục:
“Trên con đường Mật thừa bí mật vĩ đại của tịnh quang này – Dzogpa Chenpo – đỉnh cao của tất thảy,
Giác ngộ không được tìm thấy ở đâu ngoài diện mạo Pháp thân.
Nếu con không được giải thoát vào trạng thái nguyên sơ bằng cách hiện thực hóa điều này …”
Điều này dẫn chúng ta đến Bardo tiếp theo, Bardo Pháp tính. Nhìn chung, chúng ta nói rằng Bardo của thời điểm chết kéo dài ba ngày. Trong Bardo Pháp tính, tất cả chư Tôn an bình và phẫn nộ bắt đầu hiển bày. Cách mà chư vị xuất hiện và các hình tướng kéo dài bao lâu có thể có nhiều khác biệt. Để đạt giải thoát trong Bardo này, bạn cần phải từng thực hành giai đoạn sinh khởi (Kyerim), nếu không sẽ rất khó khăn. Với một số người, những hình tướng này vụt qua chỉ trong một phần giây.
Theo Abhidharmakosha, trong Bardo tiếp theo, Bardo trở thành, chúng ta mang một thân tinh thần, tương tự như thân mà chúng ta có trong giấc mơ.
“[Một thân] với mọi giác quan nhưng lại phi vật chất …”
Trong thực hành Sur, điều này được miêu tả trong những dòng sau:
“… tất cả chúng sinh trong trạng thái trung gian,
Những vị đã bỏ thân trước kia từ nhiều năm, tháng hay ngày trước – hôm qua, sáng nay hay năm ngoái –
Và vẫn chưa tìm được sự hỗ trợ vật lý cho đời tiếp theo …”
Bởi chúng sinh Bardo chỉ có thân tinh thần, họ không thể định cư ở một nơi trong bất kỳ khoảng thời gian nào và thay vào đó, du hành không ngơi nghỉ khắp cả sáu cõi của sự tồn tại. Theo Yeshe Lama[4], chỉ có hai nơi mà chúng sinh Bardo không thể du hành đến: Kim Cương Tòa – địa điểm Phật thành đạo và tử cung của mẹ. Một số hành giả Sakya nghi ngờ tuyên bố này và hỏi rằng, “Có vấn đề gì với việc họ đến Kim Cương Tòa? Nếu bạn đến Kim Cương Tòa ngày nay, có đầy ngoại đạo; vậy thì tại sao mà chúng sinh Bardo không thể đến đó?”. Nhưng Kim Cương Tòa mà Tổ Jigme Lingpa[5] đang nhắc đến là tòa kim cương rốt ráo của sự thanh tịnh nguyên sơ của hư không căn bản. Nếu bạn đến được tòa kim cương của sự thanh tịnh nguyên sơ của hư không căn bản, điều đó nghĩa là bạn đạt giác ngộ; vì thế, dĩ nhiên, bạn không còn là một chúng sinh Bardo nữa! Và nếu bạn thâm nhập tử cung của mẹ và sinh ra thì bạn cũng không còn là một chúng sinh Bardo.
Các hành giả Sakya vẫn cho rằng chúng sinh Bardo không thể du hành đến Kim Cương Tòa thực sự ở Ấn Độ. Họ tranh luận rằng Kim Cương Tòa nằm cách một khoảng bên dưới bề mặt Bồ Đề Đạo Tràng, ở một nơi với bảy phẩm tính của kim cương[6]. Kết quả là, nó không thể xuyên thủng và thậm chí thân tinh thần vi tế của một chúng sinh Bardo cũng chẳng thể đến đó. Họ đưa ra ví dụ về đá cực kỳ cứng – bất kể bạn rót bao nhiêu nước vào đá đó, nước vẫn chẳng thể thâm nhập vào trong.
Đây chỉ là một vài tranh luận đã nổ ra xoay quanh chủ đề này. Dù thế nào, người ta tin rằng chúng sinh Bardo có thể du hành vô ngại đến bất kỳ đâu và khắp mọi nơi trừ hai nơi này.
Bản văn Sur nói rằng chúng sinh, những vị lang thang trong Bardo,
“Chẳng có bảo vệ hay nương tựa,
Không được hỗ trợ nhờ tích lũy công đức trong quá khứ
Và thiếu tình bạn của thiện hạnh”.
Tôi nghĩ rằng những dòng này có thể áp dụng cho đa số lớn lao những người phương Tây và Trung Quốc.
Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta tích lũy công đức vì người khác sau khi họ qua đời, đặc biệt vào những thời điểm cụ thể được chỉ ra trong các bản văn, lấy ví dụ vào ngày thứ ba, ngày thứ bảy, ngày hai mươi mốt, v.v. và ngày bốn mươi chín sau khi chết. Thời xưa, gia đình của người đã khuất thường luôn luôn đặc biệt quan tâm để bảo trợ các thực hành vào những ngày này.
Từ những gì tôi từng thấy, người Trung Quốc tài trợ cho sự thực hành hết sức có thể trước khi ai đó qua đời, để ngăn cản cái chết, nhưng khi họ thực sự chết, người ta không làm gì nhiều lắm. Điều đấy với tôi giống như họ có một bữa tiệc. Mặt khác, người phương Tây dường như chỉ cãi cọ về tiền bạc của người chết! Ở Tây Tạng, người ta từng có những truyền thống cổ xưa nhưng ngày nay, họ dường như lại cũng tuân theo cách tiếp cận của Trung Quốc. Mọi người tụ tập lại và uống rượu, giống như họ đang tổ chức tiệc. Có lẽ họ sẽ cúng dường Sang, nhưng đấy là tất cả. Chỉ ở Kham người ta mới còn tuân theo những phong tục cổ xưa và tích lũy công đức vì người chết. Thực sự, việc những người còn sống tích lũy công đức cho bạn bè hay họ hàng đã khuất của họ là điều cực kỳ quan trọng.
Bản văn Sur tiếp tục nói rằng:
“Vị chỉ có bốn danh uẩn,
Cảm giác bản chất là đau đớn”.
Chúng sinh Bardo có các uẩn và vì thế, họ trải qua khổ đau. Họ trải qua nhiều kiểu khổ đau khác nhau. Nếu bạn không biết rằng bạn thực sự đã chết, khổ đau của bạn thậm chí còn lớn hơn. Bạn trở về nhà, gia đình của bạn, chồng hay vợ bạn, con trai hay gái của bạn và cố nói chuyện với họ, nhưng họ chẳng đáp lại, họ hoàn toàn thờ ơ bạn. Họ cũng chẳng chia đồ ăn cho bạn. Đây là điều bạn trải qua và đó là cội nguồn đau đớn lớn lao. Tệ hơn, bạn thấy người ta chiếm đoạt tất cả của cải và tài sản của bạn – mọi thứ bạn từng sở hữu trở nên tiêu tán. Đấy cũng là một cội nguồn khổ đau lớn. Đau đớn bạn trải qua sẽ lớn hơn nhiều so với ai đó biết rằng họ đã chết.
Bên cạnh đó, bạn trải qua nhiều sợ hãi và đau đớn liên quan đến tham, sân và si. Như bản văn nói:
“Những vị bị giày vò bởi ảo giác khủng khiếp,
Và đau khổ vì lạnh, đói và khát;
Những vị mà cuộc sống chẳng biết kéo dài bao lâu”
Bạn không biết bạn sẽ duy trì trong tình trạng này bao lâu và bạn hoàn toàn chẳng có tự do lựa chọn nơi bạn đến. Như bản văn nói, chúng sinh Bardo bị cuốn đi mà chẳng được giúp đỡ, “giống như lông chim bị gió cuốn đi”. Đấy là lý do chúng ta cần dâng cúng dường và cầu nguyện:
“Nguyện họ tìm được một nơi để ở, với bạn bè, của cải, đồ ăn – thức uống hoàn hảo và dồi dào và chẳng phải lo lắng”.
Nhờ dâng cúng dường Sur và thực hành vì chúng sinh Bardo, chúng ta có thể xoa dịu khổ đau mà họ trải qua.
Nếu bạn hỏi, “Có bao nhiêu chúng sinh Bardo?”, câu trả lời là số lượng chúng sinh Bardo lớn hơn rất nhiều so với con người. Tại sao? Bởi không dễ để tái sinh trong thân người. Có nhiều chúng sinh sinh làm động vật, ngạ quỷ và địa ngục hơn nhiều.
Những người đã làm được chút điều thiện trong đời và không gây ra quá nhiều tổn hại sẽ trải qua một giai đoạn hơi dài hơn trong các Bardo.
Như tôi đã nói trước đó, điều cực kỳ quan trọng là dâng các cúng dường đến chúng sinh trong Bardo. Hơn thế nữa, chúng ta cần hồi hướng những cúng dường này dưới tên họ. Ví dụ, trong thực hành Sur, chúng ta được bảo rằng cần thêm tên của người chết trong lời cầu nguyện mà chúng ta tụng đọc. Ngài Karma Lingpa đặc biệt nhấn mạnh điểm này. Ngài cũng nói rằng sẽ tốt hơn nếu người thực hành vì người chết là ai đó thân thiết với họ. Điều đấy dĩ nhiên phụ thuộc vào việc liệu bạn có biết cách thực hành hay không. Nếu bạn không thì bạn cần thỉnh cầu một đạo sư làm thế vì bạn.
Dù thế nào, họ là vị thọ nhận chính yếu trong cúng dường Sur của bạn, thứ cũng được dâng lên tất cả chúng sinh Bardo. Bạn dâng cúng dường Sur để
“Nguyện họ tìm được một nơi để ở, với bạn bè, của cải, đồ ăn – thức uống hoàn hảo và dồi dào và chẳng phải lo lắng”.
Khi họ thoát khỏi những quấy rầy và lo lắng thì bạn cầu nguyện, đặc biệt nếu người đó là một Phật tử, rằng
“Ngay lập tức, nguyện họ diện kiến Thánh Quán Thế Âm và
Bồ Tát Trừ Cái Chướng, nhận ra trạng thái trung gian là trạng thái trung gian,
Nguyện họ nhận ra rằng đấy là hình tướng mê lầm.
Nhớ về đạo sư, Tam Bảo, Bổn tôn và tri kiến,
Nguyện họ lập tức tịnh hóa các che chướng bởi ác hạnh và làm chủ giác tính.
Nguyện họ có thể trực tiếp tiến đến Tịnh độ Cực Lạc, Tịnh độ Liên Hoa Quang hay cõi phi phàm nào khác”.
Trong ‘thời kỳ suy đồi’ hiện nay, đạt giải thoát, trạng thái rốt ráo của sự hợp nhất vĩ đại của Kim Cương Trì trong chỉ một đời thì khá khó. Sự nhiệt tình của chúng ta với Giáo Pháp và sự tinh tấn thực hành trở nên yếu ớt. Chúng ta đều thường nghĩ về bản thân là những hành giả Giáo Pháp, nhưng điều này thực sự nghĩa là chúng ta có sự trân trọng với Giáo Pháp. Chúng ta không thực sự thực hành nhiều đến vậy. Khi bạn thực hành Pháp, chính tâm bạn cần thực hành – tâm bạn cần thực sự hấp thu Giáo Pháp. Nhưng nếu xem xét cẩn thận, chúng ta có thể thấy rằng số người chân chính thực hành Giáo Pháp, những vị mà tâm thực sự hấp thu giáo lý, rất hiếm.
Trong cách tiếp cận căn bản của chư Thanh Văn, bạn cần khởi lên cảm giác xả ly chân chính với luân hồi. Nói cách khác, bạn cần giảm bám chấp với luân hồi đến mức rất thấp. Chỉ nghĩ rằng bạn có sự xả ly thì chưa đủ, bám chấp của bạn với luân hồi phải bị tiêu trừ. Trên con đường của Bồ Tát, chúng ta cần giảm sự trưởng dưỡng cái ngã và chỉ nghĩ về việc làm lợi lạc kẻ khác. Chúng ta cần trân quý chúng sinh khác hơn cả bản thân mình. Nếu bạn có thể làm vậy, điều đấy thực sự xuất sắc! Nhưng thực sự thì rất khó. Bạn có thể chỉ có một chút bi mẫn, đôi lúc …chuyện đó thì có thể làm được. Suy cho cùng, thậm chí hổ cái cũng sẽ chăm sóc con của nó. Nhưng nếu chúng ta thực sự thành thật với bản thân, lòng bi mẫn của chúng ta khá hạn chế. Về Kim Cương thừa, con đường của nhận thức thanh tịnh, chúng ta cần thấy mọi thứ – toàn bộ vũ trụ, mọi hữu tình chúng sinh, cũng như chính bản thân, thân và tâm của chúng ta – là đàn tràng thanh tịnh, vô lượng của chư Tôn. Không dễ đến vậy, đúng không? Như Narak Kong Shak[7] có nói, chúng ta cần giải thoát bản thân khỏi mọi bám chấp nhị nguyên với các quan niệm về thanh tịnh và bất tịnh. Mọi chuyện thì không xảy ra đơn giản như vậy!
Vì thế, quan điểm của tôi là, ngày nay, là một hành giả Giáo Pháp chân chính thực sự khá khó. Tuy nhiên, trong khi thật khó để chúng ta đạt giải thoát trong đời này, nếu chúng ta có sự trân trọng đích thực dành cho Giáo Pháp và dành cuộc đời để cố gắng hết sức nhằm đưa Giáo Pháp vào thực hành, thì chúng ta sẽ có cơ hội tốt là đạt giải thoát trong Bardo. Trong Bardo, chúng ta không còn thân vật lý từ thịt và máu.
Như người ta thường nói, chúng ta sẽ được “lập tức chuyển đến các cõi cao hay cõi thấp dựa trên tâm tích cực hay tiêu cực”. Khi chúng ta trong Bardo, sự gia trì của tất cả chư Phật, những lời nguyện của tất cả chư Bồ Tát, sức mạnh, năng lực và khả năng của tất cả chư Tôn Tam Căn Bản và hoạt động của chư vị bảo vệ sẽ hỗ trợ chúng ta. Như thế, chúng ta có sự giúp đỡ. Không có nghi ngờ gì về điều này. Đấy là lý do chúng ta có chút hy vọng về việc đạt giải thoát trong Bardo. Khi chúng ta trong Bardo trở thành, chúng ta không còn thân vật lý và điều này khiến việc chư Tôn làm lợi lạc chúng ta nhờ sức mạnh và sự gia trì còn khả thi hơn.
Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật nói nhiều về giải thoát. Nó nói rằng, chỉ nhờ thiền định về vị Tôn, bạn sẽ được giải thoát; chỉ nhờ tụng Chân ngôn, bạn sẽ được giải thoát hay trong Dzogpa Chenpo, chỉ nhờ nhận ra bản tính của tâm, bạn sẽ được giải thoát. Tôi nghĩ sự giải thoát được nói đến có khả năng xảy ra trong Bardo hơn. Rất nhiều hành giả đã và vẫn được giải thoát trong Bardo nhờ tuân theo những giáo lý này.
Lời Nguyện Tái Sinh Zangdok Palri nói rằng:
“Khi cái chết xảy đến với sức áp đảo của nó,
Các sứ giả của Đức Liên Hoa, chư Không Hành Nữ,
Yêu kiều nhảy múa, hãy thực sự nắm tay chúng con
Như đã làm với Kharchen Za, Guna Natha[8],
Và tiếp dẫn chúng con về cõi Liên Hoa Quang!”
Người ta cũng nói rằng nếu bạn nghĩ về Đấng Bảo Hộ Vô Lượng Quang khi bạn trong Bardo thì đích thân Đức Vô Lượng Quang cùng với toàn bộ đoàn tùy tùng Bồ Tát của Ngài sẽ xuất hiện trước bạn và dẫn dắt thần thức của bạn đến Tịnh độ Cực Lạc, nơi mà bạn sẽ tái sinh. Truyền thống thực hành đặc biệt mạnh mẽ ở Nhật Bản, nơi mà rõ ràng có ba truyền thừa khác nhau tuân theo cách tiếp cận tìm cách tái sinh Cực Lạc này. Một số chỉ tụng Kinh Bạch Liên Hoa, cũng như một vài lời cầu nguyện khác trong khi số khác đơn giản tụng “Nam Mô A Di Đà Phật”. Nhờ sức mạnh của những lời cầu nguyện này, hành giả sẽ được đưa đến Tịnh độ của Đức Vô Lượng Quang khi họ chết. Có ba đạo sư khác nhau đã đưa những truyền thừa thực hành này đến Nhật Bản và mỗi vị lại có cách tiếp cận hơi khác, nhưng họ đều dựa trên nguyên tắc này. Mỗi đạo sư sau đó bắt đầu trường phái riêng. Rõ ràng ở Nhật Bản, mỗi đạo sư đã bắt đầu trường phái riêng; đấy là lý do bạn thấy có nhiều truyền thống khác nhau đến vậy. Ví dụ, có hai kiểu giáo lý Kim Cương thừa ở Nhật Bản nhưng dường như họ không hòa hợp với nhau, họ thậm chí còn chẳng bước vào chùa chiền của nhau!
Tóm lại, tôi nghĩ các bạn dứt khoát cần hướng đến việc đạt giải thoát trong đời này và nếu điều đó không hiệu quả thì bạn có thể nương tựa khả năng đạt giải thoát trong Bardo. Để giúp cho điều đó xảy ra, sự tích lũy công đức là cực kỳ quan trọng. Thậm chí hành động nhỏ nhất cũng có thể vô cùng lợi lạc và xứng đáng. Và dĩ nhiên, hết sức có thể, bạn cần tránh phạm phải các ác hạnh. Hãy cố gắng bao quanh bản thân bằng các ảnh hưởng tốt, những người bạn đồng hành với bạn. ‘Được đồng hành tốt’ nghĩa là được hỗ trợ bởi chư Phật, Bồ Tát, chư đạo sư và chư Tôn Tam Căn Bản và chư vị bảo vệ Kim Cương thừa. Tổ Jigme Lingpa nói rằng nếu bạn thực hành Magon Chamdral[9] đều đặn, bạn sẽ đến Zangdok Palri khi chết. Thực sự, điều này không chỉ áp dụng cho Magon Chamdral – bất cứ thực hành Hộ Pháp nào mà bạn tiến hành, vị Hộ Pháp đó sẽ đưa bạn đến đấy. Ở đây, chúng ta đang nhắc đến các Hộ Pháp trí tuệ, dĩ nhiên; đó là những vị có thể giúp đỡ bạn điều này.
Đấy là lý do bạn cần chuẩn bị ngay bây giờ. Bạn cần nghĩ về điều này và lên kế hoạch thật tốt. Nếu bạn chuẩn bị tốt, bạn sẽ hoàn toàn không phải là không có giúp đỡ khi chết, như ai đó cố gắng nắm lấy bầu trời. Bạn sẽ có chút hy vọng, điều gì đó mà bạn có thể nương tựa khi thời điểm chết xảy đến.
Nguồn Anh ngữ: http://all-otr.org/public-talks/70-the-bardos-a-brief-presentation.
Gyurme Avertin chuyển dịch Tạng-Anh; Philip Philippou hiệu đính.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Về Orgyen Tobgyal Rinpoche, tham khảo phần Phụ Lục trong bài Hoạt Động Kính Ái (https://thuvienhoasen.org/p38a34386/3/hoat-dong-kinh-ai).
[2] Theo Rigpawiki, Delok nghĩa đen là “trở về từ cái chết” và theo truyền thống, Delok là những người dường như “chết” bởi bệnh tật và thấy họ du hành trong Bardo. Họ viếng thăm các địa ngục, nơi họ chứng kiến sự phán xét về người chết và các khổ đau của địa ngục và đôi lúc, họ đến các cõi trời và cõi Phật. Họ có thể được đồng hành bởi một vị Tôn, vị bảo vệ và giải thích điều đang xảy ra. Sau giai đoạn khoảng một tuần, Delok được phái trở về thân xác với thông điệp từ Tử Thần cho người sống, thúc giục họ thực hành tâm linh và có lối sống lợi lạc. Thông thường, Delok gặp khó khăn lớn trong việc khiến mọi người tin tưởng câu chuyện của họ và họ dành phần còn lại của cuộc đời để kể những trải nghiệm của bản thân cho kẻ khác nhằm hướng những người này về con đường trí tuệ. Tiểu sử của một số Delok nổi tiếng hơn đã được viết lại và được những người hát rong hát trên khắp Tây Tạng.
[3] Từ Ngondro Longchen Nyingtik.
[4] Theo Rigpawiki, đây là một hướng dẫn hay giáo khoa nổi tiếng về thực hành Dzogchen do Rigdzin Jigme Lingpa soạn. Bản văn này được cho là tóm lược của Vima Nyingtik. “Dựa trên pho bí mật nhất, vô song của phần về chỉ dẫn cốt tủy, bản văn kết hợp tinh túy của các Mật điển Dzogchen và chủ yếu trình bày các chỉ dẫn thực tiễn cho Trekchod và Togal cùng với các chỉ dẫn để giải thoát trong Bardo và giải thoát trong các cõi Hóa thân thanh tịnh”.
[5] Về Ngài Jigme Lingpa, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a31755/cau-chuyen-cuoc-doi-to-jigme-lingpa.
[6] Không thể bị cắt, không thể bị phá, là thật, rắn chắc, ổn định, hoàn toàn không thể bị ngăn cản và hoàn toàn không thể bị đánh bại.
[7] Theo Rigpawiki, Narak Kong Shak là một thực hành nổi tiếng về sám hối và hoàn thành liên quan đến Mật điển Narak Dongtruk [Làm Trống Rỗng Cõi Thấp Từ Đáy Sâu]. Đây là một trong những phương pháp hay thực hành sám hối mạnh mẽ và quan trọng nhất trong truyền thống Nyingma và cũng là một lời cầu nguyện đặc biệt mạnh mẽ vì những vị đã khuất hay đang bị ốm.
[8] Tức Khandro Yeshe Tsogyal và Yuthok Yonten Gonpo.
[9] Theo Rigpawiki, Magon Chamdral là thực hành Hộ Pháp căn bản từ Longchen Nyingtik, mô tả Ekadzati cùng với Maning Nakpo, Damchen Dorje Lekpa, Za Rahula và Durtro Lhamo.