Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Cuộc Đời Đức Jamyang Khyentse Wangpo

01 Tháng Mười Một 201807:48(Xem: 3356)
Cuộc Đời Đức Jamyang Khyentse Wangpo

Cuộc Đời Đức Jamyang Khyentse Wangpo

Orgyen Tobgyal Rinpoche giảng
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ

Cuộc Đời Đức Jamyang Khyentse Wangpo

HOÀN CẢNH

Ở Xứ Tuyết Tây Tạng, những giáo lý của Đức Phật được trao truyền trong nhiều dòng truyền thừa. Người ta thường nói rằng những dòng truyền thừa nghiên cứu được hỗ trợ bởi ‘tám cột trụ lớn[1]’ và ‘tám cỗ xe[2]’ được hỗ trợ bởi ‘tám cột trụ lớn[3]’.

Những giáo lý được trao truyền từ Ấn Độ đến Tây Tạng từ thế kỷ thứ bảy trong triều đại của vua Pháp Songtsen Gampo[4] cho đến thế kỷ chín hay mười được biết đến là Giáo Lý Cổ Xưa Của Cựu Dịch (Ngagyur Nyingma). Tên gọi ‘Nyingma’ hay ‘Cổ Xưa’ này không phải là điều gì đó mà những hành giả Nyingmapa tự mình đưa ra; nó đầu tiên được sử dụng bởi các trường phái của ‘Truyền thống Mới’ hay ‘Sarma’ bởi họ xem Nyingma là một truyền thống cổ xưa khi so sánh với truyền thống của họ. Giai đoạn chuyển tiếp giữa các trường phái cổ xưa và mới thường được cho là thời kỳ của dịch giả Rinchen Zangpo (958-1055) vĩ đại. Bất cứ bản dịch nào xuất hiện trước thời kỳ của Ngài được gọi là ‘Cổ’ trong khi bản dịch của chính Ngài cùng với những bản dịch sau đó được gọi là ‘Tân’ hay ‘Mới’. Đây là cách mà những học giả trong quá khứ giải thích sự khác biệt.

Trong các trường phái Tân Dịch Sarma, Sakya và Kagyu phát triển vào cùng khoảng thời gian. Cũng có truyền thống Kadampa Cổ. Sau đấy xuất hiện vài truyền thống mới khác, chẳng hạn Tân Kadam (cũng được gọi là Gelukpa), Shangpa Kagyu, Tropu[5], Bodong[6], Shije và v.v.

Nhìn chung, dường như bất cứ khi nào thứ gì mới xuất hiện, ban đầu, nó không nổi tiếng lắm. Để khiến mọi người chú ý, nó cần phải được thúc đẩy một cách nhiệt thành, thông thường bằng cách đưa ra các tuyên bố lặp lại về việc nó tốt đẹp như thế nào. Đó là cách mà mọi thứ vận hành. Ở Tây Tạng, các trường phái Tân Dịch áp dụng thuật ngữ Nyingma để tách biệt họ khỏi những truyền thống cổ xưa hơn. Thực tế thì họ đang nói rằng, “Đó là truyền thống cổ xưa. Chúng tôi giới thiệu thứ gì đó khác biệt. Chúng tôi là những trường phái mới”.

Thực sự, những trường phái này chỉ khác biệt về tên gọi. Tất cả các truyền thống chính yếuTây Tạng đều chỉ có một cội nguồn duy nhất: đó là Đức Phật. Không những vậy, các truyền thống này đều tương tự khi chúng cung cấp những chỉ dẫn về cách thức đi theo con đường dẫn đến giải thoát và sự toàn tri trong một đời.

Dẫu vậy, bởi thời kỳ suy đồi ngày càng trở nên tồi tệ hơn, truyền thống Giáo Pháp cũng suy giảm và vì thế, xuất hiện sự phân chia thành Nyingma và Sarma và thậm chí trong Sarma thì nhiều trường phái khác nhau cũng xuất hiện. Chỉ trong Kagyu, có bốn nhánh chính và tám nhánh phụ. Trong trường phái Sakya, cũng có ba nhánh chính gồm Sakya, Ngorpa và Tsarpa. Trong trường phái Kadam, cũng có sự phân chia thành Kadampa cũ và mới. Tất cả những truyền thống đã phân chia và ngày càng trở nên mất tính thống nhất. Không may thay, điều này nghĩa là các mối quan hệ giữa những nhánh khác nhau không phải lúc nào cũng là thuận hòa.

Các bạn có thể không đồng tình với điều mà tôi đang nói ở đây. Tôi cần phải bảo vệ nó; nếu không, có vẻ như thể tôi chỉ đang bày tỏ một quan điểm. Trước tiên, hãy cùng xem truyền thống Kadampa. Đức Tsongkhapa tôn quý, Bồ Tát Văn Thù trong thân người, đã biên soạn khoảng mười tám tập, điều vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Nhưng trong số này, một số được nghiên cứu cũng như thực hành rộng rãi và rất được trân trọng trong trường phái Gelukpa và cũng có vài phần không được đánh giá cao đến vậy. Ví dụ, luận giải của Ngài về Bát Nhã được biết đến là Chuỗi Vàng Của Những Giải Thích Tốt Đẹp (lek she ser treng) cùng một số trước tác nhất định được xem là gần với truyền thống Kadampa cổ và các trường phái cổ và vì thế, chúng không còn được xem trọng bởi những học giả Gelukpa.

Sau đấy, nếu chúng ta xem xét trường phái Sakya, nguồn gốc thực sự của nó là trường phái Nyingma; nhưng trong ba nhánh chính, chúng ta thấy rằng, nhánh Ngor không còn thực hành những giáo lý được-gọi-là tổ tiên (yab chö) của trường phái Sakya, chẳng hạn, các thực hành Yangdak Heruka và Phổ Ba Kim Cương Vajrakilaya.

Trong trường phái Nyingma cũng vậy, mặc dù lòng bi mẫn và sự gia trì của Guru Rinpoche không có bất cứ sự suy giảm nào, có nhiều vị Terton đã xuất hiện trong các thế kỷ, mỗi vị phát lộ các pho Terma riêng. Theo thời gian, những môn đồ của các truyền thống Terma đặc biệt này nhấn mạnh vào truyền thừa của riêng họ mà quên đi các truyền thừa khác. Giờ đây, sau rất nhiều vị Terton và nhiều pho Terma, gần như chẳng có điều gì để bạn có thể chỉ ra là chung cho toàn bộ trường phái Nyingma.

Đó là tình trạng của giáo lý Phật ĐàTây Tạng – mất tính thống nhất và bị đe dọa bởi chủ nghĩa bộ phái – khi mà hai hóa thân vĩ đại của Đức Văn Thù Sư Lợi – Jamyang Khyentse Wangpo và Jamgon Kongtrul Lodro Thaye xuất hiện.

CÁC TIỀN THÂN

Bạn có thể băn khoăn liệu Đức Jamyang Khyentse Wangpo thực sự là ai. Câu trả lời đơn giản là Ngài là Đức Văn Thù Sư Lợi trong thân người. Nói về Đức Văn Thù Sư Lợigiải thích Ngài là ai cũng là điều khó khăn ngay cả với một Bồ Tát vĩ đại, vị đã đạt được các địa. Một vị Bồ Tát như vậy có thể nói bằng lưỡi kim cương của Ngài trong trọn một đại kiếp nhưng Ngài vẫn không thể hoàn thành việc thuật lại những hoạt động giác ngộliệt kê các phẩm tính của Đức Văn Thù Sư Lợi.

Tuy nhiên, giới hạn bản thân trong quan điểm hạn chế của những chúng sinh bình phàm, chúng ta có thể nói đôi điều về những hóa thân trước kia của Đức Jamyang Khyentse Wangpo. Ở vùng đất Ấn Độ cao quý, trong thời kỳ của Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài là Tôn giả Xá Lợi Phất, trí tuệ đệ nhất trong các đệ tử của Đức Phật. Và trong tám vị Trì Minh Vương vĩ đại, Ngài là Manjusrimitra [Diệu Đức Hữu], vị thọ nhận sự trao truyền về Đại Uy Đức Kim Cương [Yamantaka]. Ngài cũng là đại thành tựu giả Vajra Ghantipa, vị Yogi vĩ đại, người đạt chứng ngộ nhờ nhất tâm thực hành Thắng Lạc Kim Cương [Chakrasamvara] và có thể du hành đến các cõi trời mà không để lại thân bình phàm, hợp nhất với vị phối ngẫu và đưa những đứa con của Ngài đi cùng trong hình tướng của chày và chuông. Ngài cũng là sức trang hoàng vương miện của năm trăm học giả uyên bác – Vimalamitra [Vô Cấu Hữu], vị đã khiến những giáo lý Đại Viên Mãn chiếu tỏa như mặt trời trên khắp Tây Tạng.

Sau đấy, Ngài cũng là học giả Pratiharanandamati[7] và ở đây, tôi có một câu chuyện muốn kể cho các bạn. Những hóa thân của Đức Jamyang Khyentse thường gặp vấn đề về ruột không lâu sau khi chào đời và dù chư vị thọ dụng bao nhiêu thuốc, điều đó dường như không giúp ích. Bạn có thể băn khoăn tại sao lại vậy. Khi được nhìn nhận bằng con mắt trí tuệ, có vẻ vấn đề này bắt nguồn từ khi Đức Jamyang Khyentse là học giả Pratiharanandamati. Lần nọ, khi Pratiharanandamati đang nhất tâm thiền định trong ẩn thất trên một sườn núi hoang vắng, một Không Hành Nữ xuất hiện trước Ngài và tiên đoán rằng thậm chí ở đó một mìnhthực hành nhất tâm, Ngài vẫn sẽ gặp một kẻ thù lớn lao với giáo lý Phật Đà. Bà ấy giải thích rằng, “Khi kẻ thù này xuất hiện, Ngài phải giải thoát hắn. Nếu Ngài không làm thế, đó sẽ là một chướng ngại to lớn với giáo lý”.

Khi Ngài ngồi đó, Ngài cố gắng phát hiện xem kẻ thù của giáo lý này có thể là ai. Ngài nhanh chóng phát hiện ra rằng vị vua của vùng đất, một tín đồ của ngoại đạo Tirthika, đang du ngoạn gần đó trong khu rừng, cùng với tất cả thượng thư. Ngài có thể thấy họ đang dùng bữa và nói chuyện cùng nhau. Một người trong số họ nói rằng, “Hôm nay, chúng ta đang ở một nơi dễ chịu và thời điểm thật cát tường. Bởi chúng ta đều đã tập trung về đây, đức vua và tất cả các thượng thư, chúng ta cần quyết định vài kế hoạch lớn lao cho tương lai, một dự án vì vương quốc mà chúng ta có thể dành trọn sức lực”.

Nhiều thượng thư đưa ra ý tưởng về các cách thức mà họ có thể buôn bán và kiếm tiền. Số khác không đồng tình và gợi ý rằng họ cần bảo trợ một dự án tâm linh. Cuối cùng, một thượng thư xảo quyệt đứng dậygiải thích rằng thứ ngăn tôn giáo của họ thống trị khắp vương quốc chính là Phật giáo và vì thế, ông ta đề xuất họ sẽ cướp phá và hủy hoại mọi Tu viện Phật giáo trong vùng.

Ngay khi học giả nghe được điều này và thấy kết quả sẽ xảy ra, Ngài lập tức cử hành Pháp tu Đại Uy Đức Kim Cương Yamantaka và hóa hiện trong hình tướng của một con bò to lớn và đáng sợ với những cái sừng dài, nhọn. Ngài đâm thẳng vào vị vua cùng các thượng thư và giải thoát họ bằng cách đâm sừng qua dạ dày, chọc vào ruột của họ. Những vấn đề về ruột mà các hóa thân Khyentse gặp phải là nghiệp quả của sự kiện này.

Mặc dù tôi sẽ không đề cập tất cả ở đây, Ngài cũng xuất hiện là nhiều học giả uyên bác và Yogin thành tựu khác ở xứ Ấn Độ. Sau đấy ở Tây Tạng, Ngài xuất hiện là vị vua Pháp vĩ đại – Trisong Detsen và lập tức sau đó, trong hóa thân kế tiếp của mình, Ngài là Gyalse Lharje Chokdrup Gyalpo, vị kế thừa của pho giáo lý được biết đến là Đại Dương Giáo Pháp Thâu Nhiếp Mọi Giáo Lý (Kadu Chokyi Gyatso)[8].

Tựu chung lại, có năm vị Terton vĩ đại, những hóa thân kết hợp của cả vua Trisong Detsen và Gyalse Lharje:

  1. Sự hiển bày về thân là Ngadak Nyang Rinpoche.
  2. Sự hiển bày về khẩu là Guru Chokyi Wangchuk.
  3. Sự hiển bày về ý là Changdak Tashi Tobgyal.
  4. Sự hiển bày về phẩm tính là Ngari Pandita – Pema Wangi Gyalpo.
  5. Sự hiển bày về hoạt động là Đức Dalai Lama thứ 5 – Ngawang Lobsang Gyatso.

Từ thời của vị Terton đầu tiên – Sangye Lama cho đến hóa thân của Ngài là Jamyang Khyentse Wangpo, Gyalse Lharje hóa hiện làm mười ba Terton. Cũng có những hóa thân khác, nhưng ở đây chỉ tính đến những vị là Terton.

Bên cạnh đó, Đức Jamyang Khyentse cũng là Dakpo Lharje tức Tổ Gampopa. Ngài là Nesarwa Jamyang Khyentse Wangchuk và Sakya Pandita. Thực sự, nếu bạn xem xét danh sách những tiền thân của Ngài, dường như thật hiếm có vị đạouyên bác hay thành tựu vĩ đại nào mà không phải là một trong những hóa thân trước kia của Đức Jamyang Khyentse.

Đích thân Đức Jamyang Khyentse Wangpo đã tuyên bố rằng Ngài là hóa thân về thân của Trisong Detsen, hóa thân về khẩu của Guru Rinpoche, hóa thân về ý của Namkhai Nyingpo, hóa thân về phẩm tính của Gyalse Lharje và hóa thân về hoạt động của Langdro Lotsawa.

SỰ CHÀO ĐỜI VÀ THỜI THƠ ẤU

Nhiều tiên tri cổ xưa chỉ ra rằng địa điểm chào đời của Ngài ở Kham, thuộc quận Derge, tại nơi gọi là Terlung. Như được nhắc đến trong các tiên tri, vùng đất đó có hình dáng một con rắn và và có một núi đá hình Kim Sí Điểu. Trong tiên tri, dòng ‘Trong dòng dõi Nyo’[9] nghĩa là gia đình của Ngài, tức gia đình Dilgo, là một nhánh của Nyo, cùng dòng họ với Đức Terdak Lingpa vĩ đại. Tên gọi Nyo, điều nghĩa là ‘điên khùng’, bắt đầu từ thời kỳ mà một vị thiên giáng hạ xuống cõi người này. Người ta nói rằng ông ấy trở nên bị vấy bẩn vì dính dáng với những con người bất tịnh và sự tiếp xúc với con người này khiến ông ấy trở nên điên khùng.

Một thời gian trước khi Đức Jamyang Khyentse chào đời, vị Khenpo vĩ đại của [Tu viện] Ngor, Thartse Jampa Namkha Chime (1765-1820) đang lưu lại Derge và lâm bệnh nặng. Lúc ấy, vua Derge thỉnh cầu Ngài đừng nhập diệt mà hãy trụ thế dài lâu trên thế giới này. Ông ấy bổ sung rằng nếu điều đó là không thể và Ngài không thể kéo dài thọ mạng thêm nữa, Ngài chắc chắn cần quay trở lại để dẫn dắt chúng sinh trong một hóa thân khác. Đức vua đã thỉnh cầu như vậy nhiều lần. Ngài Thartse Jampa Namkha Chime không nói điều gì với đức vua một cách trực tiếp, mà với những vị xung quanh, Ngài nói thật khó để ai đó trong các Bardo lựa chọn địa điểm chào đời của họ. Tuy nhiên, nếu ai đó được lựa chọn, Ngài nói, thì tái sinh làm con trai của Trungyik Rinchen Wangyal sẽ đảm bảo một nền tảng rất tốt lành để sống cuộc đời thiện lành và làm lợi lạc giáo lý.

Trước khi Đức Jamyang Khyentse Wangpo chào đời, có nhiều dấu hiệu cát tường thù thắng tiên đoán sự xuất hiện của Ngài. Khi Ngài chào đời, nhau thai cuốn quanh Ngài theo kiểu y tu sĩ và tóc Ngài đã mọc dài đến tai. Trong vòng vài tháng sau khi chào đời, Ngài thọ nhận sự gia trì của Manjusrimitra và Guru Rinpoche. Và người ta nói rằng, Ekajati, Nữ Hộ Pháp của Mật thừa bí mật, đã chăm sóc Ngài như đứa con duy nhất.

Khi Đức Jamyang Khyentse còn rất trẻ và gia đình đang sống trong một túp lều lớn trong vùng Terlung, mỗi sáng khi Ngài rời lều, Ngài sẽ thấy hình Guru Rinpoche lớn trên núi đá. Về sau, khi nghĩ về điều này, Ngài nhận ra rằng chắc hẳn phải có một bức tượng Kutsab[10] của Guru Rinpoche được chôn giấu như một Terma.

Lên tám tuổi, khi đang ở một nơi hẻo lánh và chuẩn bị ngủ, Ngài bất ngờ nghe thấy âm thanh ‘Dhih!’ lạ thường – chủng tự gốc của Đức Văn Thù Sư Lợi – và lúc ấy, tâm bình phàm của Ngài ngừng lại hoàn toàn và Ngài được diện kiến chư đạo sư vĩ đại – Manjusrimitra và Guru Rinpoche, những vị ban cho Ngài quán đỉnh cùng nhiều giáo lý. Từ khoảnh khắc đó trở đi, trí tuệ của Ngài đã phát triển hoàn toàn và Ngài có thể nhớ những chi tiết về hàng nghìn đời quá khứ.

Thay vì chơi những trò chơi bình thường, là một đứa trẻ, Ngài sẽ làm nhiều Mandala chi tiết từ bùn đất, chơi đùa với dao Phổ Ba mà Ngài làm từ gỗ. Vào một lần như thế, Ngài nói Ngài đang cử hành Pháp hội Drupchen [Đại Thành Tựu] về Kadu Chokyi Gyatso và tụng lớn nhiều phần của thực hành. Thậm chí ở độ tuổi này, tất cả Bổn tôn của Mandala đã xuất hiện rõ ràngsống động trong tâm Ngài. Không may thay, gia đình đã thuê một người hầu khá ngu dốt, kẻ hoàn toàn không biết điều gì đang xảy ra và nghĩ rằng Khyentse Rinpoche đơn giản đang làm loạn. Ông ấy phá hủy tất cả Mandala và dọn dẹp chúng bằng chân, sau đó, la mắng vị Khyentse Rinpoche nhỏ; nhưng làm thế, ông ấy đã gánh chịu sự phẫn nộ của chư Không Hành Nữ và chết ngay đêm đó.

Chỉ với một vài chỉ dẫn từ cha về việc đọc, viết và trì tụng, Đức Jamyang Khyentse Wangpo trở nên cực kỳ thành thạo.

Một lần, Đức Bà Yeshe Tsogyal xuất hiện trước Ngài trong hình tướng một cô gái bình thường và trao cho Ngài chỉ dẫn tiên tri để tìm ra một Terma.

Gia đình của Ngài là những môn đồ của truyền thống Ngorpa thuộc trường phái Sakya trong nhiều thế hệ. Thực sự, Ngorpa Khenpo Jampa Kunga Tendzin (1776-1862) vĩ đại sau này đã trở thành vị thầy gốc của Đức Jamyang Khyentse Wangpo. Khi đang du hành qua Derge, Ngài Jampa Kunga Tendzin đưa cho cha của Đức Jamyang Khyentse một ít tiền và nói rằng, “Con trai của con là hóa thân của Đức Jampa Namkha Chime. Con phải trao cậu bé cho Thartse Labdrang”. Đáp lại, cha Ngài nói rằng, “Con sẽ không trao con trai của con để đổi lấy tiền, nhưng nếu vì lợi lạc của Giáo Pháp, con hân hạnh khi cậu bé trở thành tu sĩ”. Sau đấy, Đức Jamyang Khyentse đã đến sống trong Tu viện Dzongsar Tashi Lhatse.

Trong khoảng thời gian này, Ngài tiến hành nhập thất trong động Sachen Puk và cử hành nghi quỹ Văn Thù Sư Lợi dựa trên lời cầu nguyện Gang-gi Lodro. Sáng sớm nọ, Đức Văn Thù Sư Lợi xuất hiện rất rõ ràng giữa Mandala và để bông hoa Utpala xanh rơi xuống từ tim. Khi bông hoa chạm đến luân xa tim của Đức Jamyang Khyentse, tất cả tăm tối vô minh hoàn toàn được xua tan và ánh sáng trí tuệ hoàn toàn phát triển.

Mười bốn tuổi, Ngài đã không thể khám phá một Terma đặc biệt và điều này tạo ra một chướng ngại. Chướng ngại đó hiển bày khi Ngài được mời đến Gonna Labdrang[11] và được phục vụ một ít thịt hỏng. Điều này khiến Ngài ốm nặng đến mức trong bảy ngày, dường như Ngài không còn sống. Ngoại trừ hơi thở yếu ớt, mọi dấu hiệu của sự sống biến mất. Cuối cùng khi Ngài hồi phục, Ngài mất trí nhớ và chỉ có thể nhận ra mẹ Ngài. Ngài phải học lại mọi thứ và sau này, Ngài nói rằng sau lần đó, trí tuệ của Ngài chỉ bằng một phần tư trước kia.

Trong kinh nghiệm thanh tịnh của Ngài, trong giai đoạn này, Ngài du hành đến Núi Huy Hoàng Màu Đồng và được Guru Rinpoche đón tiếp, vị đã bảo rằng, “Các hoàn cảnh cát tường cho đời hiện tại của con không phải là tốt nhất. Chúng có lẽ còn chẳng ở mức trung bình, mà là mức kém nhất. Bây giờ, con cần trở về”. Và như thế, Đức Jamyang Khyentse Wangpo tỉnh lại.

Sau kinh nghiệm này, Ngài nỗ lực lớn lao để làm chủ mọi nghi lễthực hành của truyền thống Ngorpa.

Nhìn chung, bất cứ khi nào bạn kể lại cuộc đờisự giải thoát của một đạo sư vĩ đại, có ba chủ đề chính: cuộc đời bên ngoài, cuộc đời bên trong và cuộc đời bí mật của đạo sư. Những ghi chép truyền thống chủ yếu quan tâm đến các phẩm tính giác ngộ của một đạo sư; chúng không giống như tiểu sử hiện đại của những người nổi tiếng, điều nói nhiều về thứ mà người đó đã ăn cho bữa sáng, họ đã uống gì, họ ở đâu và mọi điều họ đã làm ở đó và v.v.

SỰ NGHIÊN CỨU

Bây giờ, nếu chúng ta xem xét cuộc đờisự giải thoát bên ngoài của Đức Jamyang Khyentse, Ngài đã đến miền Trung Tây Tạng hai lần, du hành khắp U và Tsang. Tựu chung lại, Ngài đã dành mười ba năm nghiên cứu ngày đêm với chư đạo sư từ mọi truyền thống, thọ nhận các quán đỉnh, khẩu truyềnchỉ dẫn.

Đức Jamyang Khyentse nói rằng Ngài có bốn vị thầy gốc chính yếu. Trong số đó, quan trọng nhất là Ngorpa Thartse Khenpo vĩ đại – Đức Jampa Kunga Tendzin. Sau đấy là Thartse Ponlop Naljor Jampal Zangpo (1789-1864). Một vị thầy gốc khác của Ngài là Shalu Losal Tengkyong. Và vị thầy gốc chính yếu còn lại của Ngài là Đức Jamgon Kongtrul Lodro Thaye. Đây là bốn vị chính yếu; nhưng cả thảy, Ngài có hơn 150 vị thầy. Trong số đó, có nhiều vị cũng là Terton, chẳng hạn Chokgyur Dechen Lingpa vĩ đại. Trong những vị thầy Sakya của Ngài, nhiều vị đến từ các gia đình đang điều hành Sakya. Trong truyền thống Nyingma, chư đạo sư của Ngài bao gồm những bậc trì giữ Pháp tòa Mindroling – Đức Gyurme Pema Wangyal[12] và Đức Gyurme Sangye Kunga[13] cũng như Mindroling Jetsunma Trinle Chodron[14], những vị đều đến từ dòng họ của Tổ Terdak Lingpa và Dzogchen Rinpoche thứ 4 – Mingyur Namkhe Dorje. Hơn bảy mươi vị thầy của Ngài là những Lama thuộc các truyền thống Kadampa cũ và mới. Ngài cũng có vài đạo sư Bonpo.

Nếu chúng ta xem xét đến tất cả những giáo lý mà Ngài thọ nhận trong mười ba năm này, trong khi Ngài đang tu học với chư đạo sư ở miền Trung Tây Tạng và Kham, chúng bao gồm những giáo lý của trường phái Nyingma từ Kama và Terma, cũng như mọi giáo lý của Tân Dịch Sarma. Có những giáo lý từ mười cột trụ vĩ đại của truyền thừa nghiên cứu và các trao truyền từ tám cỗ xe vĩ đại của truyền thừa thực hành. Ngài cũng thọ nhận sự trao truyền cho tất cả Những Lời Dạy Của Đức Phật trong Kangyur và các luận giải của chư đạo sư Ấn Độ trong Tengyur. Tựu chung lại, nếu chúng ta tính đếm mọi giáo lý mà Ngài đã nghiên cứu và thọ nhận trao truyền, chúng lên đến hơn 700 tập.

Ngài nói rằng Ngài không thọ nhận những giáo lý một cách đơn thuần; Ngài đã nghiên cứu chúng và lĩnh hội ý nghĩa. Ngài cũng nói rằng có lẽ không ai uyên bác hơn Ngài vào thời ấy bởi tất cả những nghiên cứu mà Ngài đã tiến hành. Nếu ai đó từng hỏi truyền thống mà Ngài thuộc về, Ngài sẽ đơn giản đáp rằng Ngài là một Phật tử.

NHỮNG ĐẠI DIỆN VỀ THÂN, KHẨU VÀ Ý

Để lưu giữ những đại diện về thân, khẩu và ý giác ngộ, trong suốt cuộc đời, Ngài thiết lập mười ba chùa chiền. Ngài cho làm hơn hai nghìn bức tượng bằng vàng và đồng cùng với ba nghìn bức nữa từ đất sét hay đá.

Khi chúng ta xem xét đóng góp của Ngài trong việc tạo ra những đại diện về khẩu giác ngộ, người ta nói rằng, Ngài đã sao chép gần như mỗi tập giáo lý mà Ngài thọ nhận. Ngày đó, chẳng có cách nào khác để sao chép một bản văn ngoài việc viết nó bằng tay. Bên cạnh đó, Ngài chịu trách nhiệm cho việc in ấn nhiều bản văn từ các bản khắc gỗ. Theo tiểu sử của Ngài do Jamgon Kongtrul biên soạn, Ngài đã xuất bản tổng cộng hơn mười nghìn tập.

Nếu các bạn từng có cơ hội thấy một trong những tập này, thứ được xuất bản bởi Khyentse Labrang, bạn sẽ kinh ngạc trước chất lượng của bản in và chất liệu được sử dụng. Mỗi tập đều sẽ nói rõ ràng ngày mà nó được đặt làm cùng với ngày mà nó hoàn thành và chỉ ra bao nhiêu vàng và bạc đã được dùng để trang trải chi phí. Dilgo Khyentse Rinpoche có thể cầm một tập và lập tức nói xem nó có phải từ Khyentse Labrang hay không, chỉ nhờ việc cảm nhận khối lượng và xem chất lượng giấy. Ngài thậm chí chẳng cần nhìn vào nhãn mác.

Về những đại diện của ý giác ngộ, Ngài giám sát việc xây dựng nhiều bảo tháp vĩ đại, bao gồm bảo tháp ‘Sức Trang Hoàng Duy Nhất Của Thế Gian’ tại Tu viện Derge Gonchen và Serdung ở Dzongsar. Tổng cộng, Ngài làm hơn hai trăm bảo tháp từ vàng và đồng và hơn hai nghìn từ gỗ hay đất sét và các chất liệu khác.

GIẢNG DẠY VÀ HÀNH TRÌ

Chúng ta biết rằng những hoạt động chính yếu để đảm bảo sự gìn giữ Giáo Pháp là giảng dạy và hành trì. Về mặt này, hầu như khônggiáo lý nào Đức Jamyang Khyentse đã thọ nhận mà sau đó không trao truyền cho người khác. Những tuyển tập lớn lao của giáo lýthực hànhchúng ta thấy ngày nay, chẳng hạn Kho Tàng Terma Quý Báu (Rinchen Terdzo), Kho Tàng Mật Chú Kagyu (Kagyu Ngak Dzo), Kho Tàng Chỉ Dẫn Trọng Yếu (Damngak Dzo), Kho Tàng Kiến Thức (Sheja Kunkhyab Dzo), Trích Yếu Mật Điển (Gyude Kuntu), Trích Yếu Nghi Quỹ (Druptap Kuntu) và v.v. đều được kết tập duy nhất nhờ lòng từ của Đức Jamyang Khyentse.

Bạn có thể phản đối điều này và nói rằng Trích Yếu Mật ĐiểnTrích Yếu Nghi Quỹ được kết tập bởi Đức Jamyang Loter Wangpo (1847-1914) và Năm Kho Tàng là tác phẩm của Jamgon Kongtrul. Bạn có thể băn khoăn điều mà Đức Jamyang Khyentse Wangpo phải làm với tất cả những tuyển tập này. Thực sự, vị đã tìm kiếm khắp nơi mọi quán đỉnh và trao truyền trong những tuyển tập này, chẳng hạn Trích Yếu Mật ĐiểnTrích Yếu Nghi Quỹ, là Jamyang Khyentse Wangpo. Dĩ nhiên, vào thời ấy, Ngài không thể thọ nhận tất cả chúng từ chỉ một người. Ngài đã phải tìm kiếm trong mười ba năm, gặp gỡ từ đạo sư này đến đạo sư khác. Cuối cùng, sau tất cả những năm tháng nỗ lực đó, Ngài trao truyền mọi điều Ngài đã thọ nhận cho Đức Loter Wangpo và hướng dẫn vị này sắp xếp chúng thành những tuyển tập thích hợp với một cấu trúc rõ ràng. Ngài đã bảo Loter Wangpo làm điều này.

Theo cách tương tự, chính Đức Jamyang Khyentse là người đầu tiên thọ nhận tất cả những pho Terma của 108 Terton chính cùng với Terma của nhiều vị Terton phụ. Sau đấy, Ngài trao truyền chúng cho Jamgon Kongtrul, vị sắp xếp chúng thành Kho Tàng Terma Quý Báu.

Bình Pumba đồng mà Đức Jamyang Khyentse sử dụng khi ban quán đỉnh – thứ được Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro sau đó kế thừa, đã phải sửa hai lần bởi nó đã hao mònsử dụng quá nhiều. Điều tương tự chưa từng được nghe nói đến trước đó.

Đó là vài nét về điều mà Ngài đã làm để hoằng dương giáo lý.

Nếu chúng ta nghĩ về đóng góp của Ngài với truyền thừa thực hành, từ năm bốn mươi lăm tuổi đến năm bảy mươi ba tuổi, Ngài chưa từng rời nơi cư ngụ, nơi được biết đến là ‘Vườn Hoan Hỷ Của Thành Tựu Bất Tử’, ở Dzongsar Tashi Lhatse. Chẳng ai có thể nói bao nhiêu thần chú mà Ngài đã trì tụng trong thời gian đó hay bao nhiêu thực hành mà Ngài đã hoàn thành. Tuy nhiên, kết quả rốt ráo của những thực hành tiếp cận và thành tựu có thể được đánh giá nhờ kinh nghiệmchứng ngộchúng ta có thể nói điều gì đó về mức độ chứng ngộ của Ngài, bởi Jamgon Kongtrul Rinpoche đã nói với chúng ta về nó.

Một lần, Jamgon Kongtrul viếng thăm Dzongsar khi Đức Jamyang Khyentse khoảng bảy mươi tuổi và trong lúc hai vị đang trò chuyện cùng nhau, Đức Jamyang Khyentse nói với Jamgon Kongtrul rằng, “Con đã nghiên cứu với hơn 150 vị thầy. Trong số đó, con có bốn vị thầy chính yếu và trong những vị này, Ngài là vị duy nhất còn trụ thế. Con cảm thấy rằng con cần cúng dường lên Ngài sự chứng ngộ của con[15] từ tất cả sự hành trì mà con đã thực hiện trong suốt cuộc đời”. Khi Ngài miêu tả sự chứng ngộ và các thành tựu từ mọi thực hành – từ các giai đoạn phát triểnhoàn thiện, cho đến kết quả rốt ráo mà Ngài đã trải qua nhờ thực hành Đại Viên Mãn Dzogchen – Đức Jamgon Kongtrul không thốt nên lời. Ngài [tức Jamgon Kongtrul] nói rằng Ngài cảm thấy trở nên nhỏ bé và băn khoăn làm sao Ngài có thể bắt đầu đánh giá chiều sâu bao la của sự chứng ngộ như vậy. Tuy nhiên, Ngài biết rằng nếu ai đó xem xét những bản văn chỉ dẫn của các truyền thống Sarma và Nyingma, thì theo truyền thống Đại Thủ Ấn, sự chứng ngộ của Đức Jamyang Khyentse được miêu tảtrạng thái ‘không-thiền định’, trong đó mọi hiện tượng được nhận ra là cùng một vị. Trong khi theo các giáo lý Dzogchen, Đức Jamyang Khyentse đã đạt đến trạng thái ngừng diệt của mọi hiện tượng trong cõi giới của sự thực. Kongtrul Rinpoche nói rằng Ngài chẳng có chút nghi ngờ về việc tâm trí tuệ của Khyentse Rinpoche không khác biệt với Pandita Vimalamitra hay Guru Rinpoche vĩ đại. Đến lượt mình, khi Jamgon Kongtrul cúng dường sự chứng ngộ, Đức Jamyang Khyentse nói rằng Ngài đã đạt đến cấp độ giác tính hoàn toàn trưởng thành theo thực hành Trekcho.

Nói một cách đơn giản, trong suốt cuộc đời, Đức Jamyang Khyentse đã liên tục giương cao cờ chiến thắng của thực hành tâm linh.

Về phong cách giảng dạy, bất cứ khi nào một môn đồ Gelukpa đến gặp, Ngài sẽ đội mũ vàng và giảng dạy theo các Mật điểnchỉ dẫn cốt tủy của các trường phái Kadampa cũ và mới, ban những chỉ dẫn về thực hành như Lojong [Luyện Tâm], để hành giả Gelukpa sẽ nghĩ rằng Ngài là Tổ Je Tsongkhapa vĩ đại bằng xương bằng thịt. Thực sự, Geshe Jampa Puntsok vĩ đại và uyên bác của Lithang, một học giả không thể sánh bằng trong toàn bộ trường phái Gelukpa, cũng là một đệ tử của Đức Jamyang Khyentse Wangpo.

Bất cứ khi nào một học trò từ trường phái Kagyu đến thỉnh cầu giáo lý, Ngài sẽ đội mũ của Tổ Gampopa và giảng dạy Đại Thủ Ấn từ các thực hành sơ khởi trở đi, chẳng hạn Bốn Pháp Của Gampopa và mọi người sẽ cảm thấy như thể chẳng có thiền gia Kagyupa nào có thể tiến gần đến mức độ chứng ngộ của Ngài. Nhiều đạo sư Kagyu thực sự viết trong tiểu sử rằng họ cảm thấy Ngài như thể là Milarepa đắp y tu sĩ. Những đệ tử Kagyu khác thấy Ngài thực sự là Gampopa. Các đệ tử của Ngài có Đức Karmapa thứ mười bốn và mười lăm cũng như [các hóa thân] Situ Rinpoche Pema Kunzang và Pema Wangchok Gyalpo.

Với các đệ tử Nyingma, Ngài là đại diện thực sự của Guru Rinpoche, người được ban danh hiệu Osel Trulpe Dorje bởi Đức Vimalamitra và danh hiệu Pema Osel Dongak Lingpa bởi Guru Rinpoche. Ngài đơn giản là vua của tất cả Terton.

Các hành giả Sakyapa sẽ nói rằng sức mạnh hiện nay của những dòng truyền thừa của họ – các truyền thống Sakya, Ngor và Tsar – và sự thật rằng những truyền thừa này vẫn duy trì không gián đoạn cho đến ngày nay, phần lớn đều nhờ lòng từ ái và sự tận tụy của Đức Jamyang Khyentse Wangpo.

Dù Ngài đang giảng dạy theo truyền thống nào hay đang ban quán đỉnh nào, mọi thứ – thậm chí cho đến cách Ngài cầm chuông và chày cùng phong cách trì tụng – sẽ được thực hiện chính xác theo truyền thống của truyền thừa đặc biệt đó. Ngài không bao giờ kết hợp những điều dù nhỏ nhặt từ các truyền thống khác nhau để trộn lẫn mọi thứ như [bột] Tsampa trong bát khất thực.

CÁC ĐỆ TỬ

Nhìn chung, người ta nói rằng để một đạo sư được gọi là vô cùng vĩ đại, Ngài phải đào tạo ra những đệ tử vô cùng vĩ đại. Nếu chúng ta nghĩ về những đệ tử của Đức Jamyang Khyentse thì có khoảng một trăm vị là những đạo sư vĩ đại đến mức mỗi vị có hàng nghìn môn đồ và để lại đằng sau nhiều tuyển tập trước tác lớn, trong vài trường hợp lên đến bốn mươi hay năm mươi tập.

Mipham Rinpoche Jampal Gyepe Dorje (1846-1912) vĩ đại, một học trò như thế, nói trong các trước tác của Ngài rằng Đức Jamyang Khyentse là “đạo sư vĩ đại của tất cả giáo lý của Đức Phật ở Xứ Tuyết, Kim Cương Trì rốt ráo”. Mipham Rinpoche nói rằng khi bạn xem xét sự uyên bácthành tựu của Đức Jamyang Khyentse Wangpo, đơn giản là không có đạo sư nào khác trong lịch sử Tây Tạng có thể so sánh với Ngài và trong tương lai cũng chẳng có ai sánh ngang với Ngài.

Năm đệ tử của Đức Jamyang Khyentse Wangpo là những Terton vĩ đại: Chokgyur Dechen Lingpa, Lerab Lingpa, Bonter Tsewang Drakpa, Khamtrul Rinpoche Tenpe Nyima và vị vua già của Ling – Lingtsang Gyalgen.

Đây là một vài trong những đệ tử hoằng dương giáo lý của Ngài và giúp thúc đẩy truyền thốngchúng ta biết đến là Rime. Rime không phải là một truyền thống mới được tạo ra bằng cách trộn lẫn mọi truyền thống cổ xưa với nhau. Rime nghĩa là có niềm tinnhận thức thanh tịnh với tất cả giáo lý của Đức Phật với nhận thức rằng chúng đều là những phương tiện xác thực bình đẳng để đem đến giải thoáttoàn tri và với điều này trong tâm, thực hành các phương pháp khác nhau của sự tiếp cận và thành tựu sau khi thọ nhận các quán đỉnh, trao truyền và chỉ dẫn thích hợp.

Một đạo sư giữ gìn truyền thống này mà nhiều người chúng ta đã có phước báu lớn lao được hạnh ngộ là Dilgo Khyentse Rinpoche (1910-1991). Ngài là người có sự kính trọng lớn lao nhất dành cho mọi truyền thừa của giáo lý Phật Đà. Người nào đó giống như Ngài, một môn đồ chân chính của truyền thống Rime vĩ đại, sẽ chỉ có sự kính trọng lớn lao nhất với mọi giáo lý của Đức Phật và không bao giờ khinh thường với tà kiến hay chê bai theo bất kỳ cách nào. Chính Jonang Jetsun Taranatha là người từng nói rằng chẳng nghĩa lý gì khi giết cha để cứu mẹ, cũng vì lẽ ấy, sẽ là không thể chấp được khi thúc đẩy một truyền thống bằng cách phá hoại truyền thống khác.

SỰ VIÊN TỊCH

Nếu tôi nói chi tiết về cuộc đời của vị đạouyên bác và vĩ đại này, điều đó sẽ tốn thời gian hơn nhiều những gì chúng ta có bây giờ và tôi sợ rằng trong bất cứ trường hợp nào, tôi cũng chẳng có kiến thức. Như tôi đã đề cập trước đó, sự cát tường trong cuộc đời Ngài không phải là kiểu tốt nhất hay trung bình, mà chỉ ở mức thấp nhất và vì thế, năm 73 tuổi, tâm trí tuệ của Ngài tan hòa vào trái tim của Tổ Vimalamitra.

Ngày 24 tháng 12 lịch Tây Tạng, một tháng trước khi qua đời, Ngài đốt mọi giấy tờ cũ và kế đó, vào ngày 25, Ngài cúng dường Tsok. Sau đấy, gần một tháng sau, vào ngày 21 tháng Giêng, Ngài tung hoa và trì tụng những đoạn kệ cát tường, rồi tắm rửa và đắp một bộ y đẹp. Ngài ngồi hướng về phía Tổ Vimalamitra và nhập định, Ngài hòa tâm trí tuệ với tâm trí tuệ của Tổ Vimalamitra.

Một thời gian sau và chính xác theo những tiên tri được tìm thấy trong các bản văn Terma, Ngài trở lại để làm lợi lạc giáo lýchúng sinh Tây Tạng trong năm hóa thân của thân, khẩu, ý, phẩm tính và hoạt động giác ngộ của Ngài.

CÁC TÀI LIỆU

Tiểu sử bên ngoài của Đức Jamyang Khyentse mà tôi kể lại không phải là thứ gì đó mà tôi tạo ra. Nó dựa trên những trước tác của các đệ tử thực sự của Ngài, người đã viết điều mà họ thấy và nghe từ chính đạo sư. Trong tất cả tiểu sử của Đức Jamyang Khyentse Wangpo, tiểu sử chính yếu là thứ mà Ngài đã biên soạn theo hình thức kệ (shyal sungma). Bởi đây là điều mà Ngài đã đích thân viết, nó không cường điệu các phẩm tính hay thành tựu của Ngài, nếu không muốn nói là hạ thấp chúng. Không may thay, tôi không có thời gian để nói thêm và dù thế nào, tôi cũng không có kiến thức, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng mặc dù chắc chắn tôi đã bỏ qua nhiều chi tiết, tôi đã không thêm bất cứ điều gì không được tìm thấy trong những ghi chép gốc.

CUỘC ĐỜISỰ GIẢI THOÁT BÊN TRONG VÀ BÍ MẬT

Đã nói về cuộc đờisự giải thoát bên ngoài của Đức Jamyang Khyentse Wangpo, bây giờ tôi sẽ nói đôi điều về tiểu sử bên trong của Ngài.

Điểm đáng chú ý trong cuộc đời Ngài là thái độ không bộ phái và sự kính trọng dành cho mọi truyền thừa của giáo lý Phật Đà, điều khiến Ngài du hành và thọ nhận những trao truyền cho tám cỗ xe lớn và các truyền thừa khác từ hơn 150 vị thầy. Những trao truyền này đều thuộc về điều mà chúng ta gọi là sự trao truyền dài hay gián tiếp (ring gyu), nhưng Ngài cũng thọ nhận sự trao truyền ngắn và trực tiếp hơn (nye gyu) cho mỗi truyền thừa. Ví dụ, khi ở Reting, Ngài thọ nhận trao truyền ngắn của chư vị Jowo Kadampa sau khi diện kiến Dromtonpa Gyalwe Jungne và Đức Atisa trong một linh kiến. Điều tương tự cũng xảy ra với Nyingma, Sakya, Kagyu, Jonang và các truyền thừa khác. Câu chuyện về cách Ngài thọ nhận những trao truyền ngắn và trực tiếp hơn này từ chư đạo sư chính yếu của mỗi cỗ xe trong tám cỗ xe lớn của truyền thừa thực hành là điều tạo thành tiểu sử bên trong của Ngài.

Tôi sẽ không đi vào chi tiết cách thức Ngài thọ nhận các trao truyền cho tám cỗ xe lớn từ những đạo sư nổi tiếng và Bổn tôn trong các kinh nghiệm linh kiến thanh tịnh bởi nếu tôi dừng ở đây, điều đó có thể thiết lập những điều kiện cát tường để kể lại chúng trong tương lai.

Về tiểu sử bí mật của Đức Jamyang Khyentse Wangpo, chúng ta có thể nói rất ngắn gọn rằng Ngài là một trong năm vị khai mật tạng vương vĩ đại[16]. Ngài thực sự là vị vĩ đại nhất trong cả năm, người được trao quyền với điều được gọi là ‘bảy sự trao truyền có căn cứ vĩ đại’ (ka bab dun[17]) – một thuật ngữ chưa từng được áp dụng cho bất cứ ai trước Ngài và là điều đơn giản chưa từng được biết đến trước thời của Ngài.

Từ những bài Pháp thoại được ban ở Lerab Ling, Pháp từ ngày 18 đến 24 tháng 8 năm 1996.

Adam Pearcey chuyển dịch Anh ngữ năm 2005.

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.



[1] Thonmi Sambhota, Bairotsana, Kawa Peltsek, Chokru Lu’i Gyaltsen, Shyang Yeshe De, Dromton Gyalwa Jungne, Rinchen Zangpo, Ngok Lotsawa Loden Sherab, Sakya Pandita và Go Khukpa Lhetse.

[2] Nyingma, Kadam, Lamdre, Marpa Kagyu, Shangpa Kagyu, Kalachakra, Shyije và Chod, Orgyenpa.

[3] Pagor Vairochana, Dromton, Khyungpo Naljor, Drokmi Lotsawa, Marpa Lotsawa, Padampa Sangye, Kyijo Lotsawa và Orgyenpa.

[4] Năm sinh và mất của Songtsen Gampo thường được cho là 609-698 sau Công nguyên.

[5] Được thành lập bởi dịch giả Jampa Pal (1173-1225).

[6] Được thành lập bởi Bodong Chokle Namgyal (1375-1450), tác giả của hơn 100 tập, điều khiến Ngài trở thành tác giả viết nhiều nhất trong lịch sử Tây Tạng.

[7] Orgyen Tobgyal [Rinpoche] nói Vanaratna (tức Nakyi Rinchen; 1384-1468), một tiền thân khác của Đức Jamyang Khyentse và là một đạo sư quan trọng trong truyền thừa Kim Cương Thời Luân. Nhưng câu chuyện sau đấy liên quan đến Pratiharanandamati (sgo mtha’ yas pa’i blo gros), như được chỉ ra rõ ràng từ tiểu sử của Đức Jamyang Khyentse do Jamgon Kongtrul biên soạn.

[8] Một Terma được tái phát lộ (yang ter) của Đức Jamyang Khyentse Wangpo, vốn được phát lộ bởi Orgyen Lingpa.

[9] Điều này được tìm thấy trong tiên tri Terma của Tổ Thangtong Gyalpo, điều được trích dẫn trong lịch sử trường phái Nyingma của Dudjom Rinpoche, mặc dù các dịch giả có vẻ đã nhầm lẫn rigs’dzin (bậc trì giữ dòng dõi gia đình) với rig’dzin (Trì Minh Vương).

[10] Theo Rigpa Wiki, Kutsab hay ‘đại diện’ – một bức tượng được làm giống với một vị Phật, Bổn tôn Yidam hay đạo sư vĩ đại. Những bức tượng này được sử dụng như các đối tượng khơi dậy cảm hứng và là cội nguồn của ân phước gia trì cho hành giả Kim Cương thừa.

[11] Một phần của Tu viện Dzongsar.

[12] Vị trì giữ Pháp tòa vĩ đại thứ sáu của Mindroling (hay Minling Trichen).

[13] Vị Minling Trichen thứ bảy.

[14] Con gái của Đức Gyurme Trinle Namgyal, vị Minling Trichen thứ năm.

[15] Thông thường các đệ tử sẽ dâng cúng dường sự chứng ngộ của họ lên bậc thầy. Điều này được biết đến là Tokbul (rtogs ‘bul).

[16] Năm vị Terton vua [khai mật tạng vương] gồm Nyangrel Nyima Ozer, Guru Chokyi Wangchuk, Dorje Lingpa, Pema Lingpa và Jamyang Khyentse Wangpo.

[17] Bảy sự trao truyền này gồm Ka-ma (sự trao truyền liên tục của Kinh và Mật), Sa-ter (kho tàng đất), Yang-ter (kho tàng được tái phát lộ), Gong-ter (kho tàng tâm), Nyen-gyu (sự trao truyền bằng miệng), Dak-nang (sự phát lộ qua linh kiến thanh tịnh) và Je-dren (sự phát lộ từ trí nhớ).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 182)
Ta sinh ra tại thung lũng thượng Dra ở Yoru, là con trai của Lobpon Tenpa Sung và Droza Sonam Gyen. Từ thuở nhỏ,
(Xem: 184)
Kính lễ đạo sư vinh quang, vị Thánh Tôn, Đấng viên thành mong ước thù thắng –
(Xem: 309)
Trong chuyến viếng thăm ngắn đến Hà Lan, Rinpoche được mời đến giảng dạy một tối về truyền thống Kim Cương thừa
(Xem: 651)
(1) Kính lễ bậc Chúa Tể (dòng họ) Thích Ca. Thân Ngài đản sanh từ vô lượng công đức, tướng hảo thù thắng. Lời Ngài làm thỏa mãn hy vọng của vô lượng chúng sanh.
(Xem: 660)
Trước khi chuyển di thần thức của người đã khuất, hãy bắt đầu bằng cách gọi tên họ số lần thích hợp.
(Xem: 775)
Nhìn chung, điều được gọi là Tâm Yếu Bốn Phần chủ yếu bao gồm những giáo lý của Tôn giả Vimalamitra [Vô Cấu Hữu],
(Xem: 751)
Khai thị của Kyabje Lama Zopa Rinpoche về tánh Không (shunyata) trong lễ quy y tại Trung Tâm Phật Giáo A Di Đà
(Xem: 1053)
Hãy đảm bảo rằng, trước khi tôi bắt đầu, các bạn phát khởi động cơ Bồ đề tâm thù thắng, tâm giác ngộ quý báu.
(Xem: 1276)
Tobgyal Rinpoche[1] được thỉnh cầu nói về các Bardo (những trạng thái chuyển tiếp), một nét đặc trưng độc đáo của giáo lý Phật giáo Tây Tạng.
(Xem: 1088)
Hãy phát khởi động lựchành vi đúng đắn, nghĩ rằng tôi phải tạo lợi lạc cho tất cả chúng sanh bao la như không gian,
(Xem: 2372)
Tôn giả Longchen Rabjam (1308-1363) sinh ra ở Yoru thuộc phần phía Đông của miền Trung Tây Tạng, gần Tu viện Samye vĩ đại mà Đạo Sư Liên Hoa Sinh xây dựng vào thế kỷ tám.
(Xem: 1764)
Có nhiều vị Tôn trên thế gian này và Phổ Ba Kim Cương là một trong số đó. Thực hành về Ngài được biết đến là “thực hành Phổ Ba Kim Cương để ...
(Xem: 3468)
Từ năm lên ba, Lama Drimed Rinpoche đã bày tỏ niềm tin và sự yêu thích đáng kinh ngạc với Phật Pháp.
(Xem: 1585)
Đức Shechen Rabjam thứ nhất – Tenpe Gyaltsen sinh năm 1650, năm Kim Dần của chu kỳ sáu mươi năm thứ mười một.
(Xem: 2528)
Geshe Ngawang Dhargyey (1921-1995) sinh ra ở vùng Trehor thuộc Kham, phía đông của Tây Tạng và học ở Tu viện Dhargyey địa phương cho đến khi 18 tuổi.
(Xem: 2309)
Này Tashi Lhamo[2] thành kính, nếu con muốn đạt giác ngộ, Hãy suy nghĩ xem thật khó khăn làm sao mới có được thân người tự dothuận duyên này.
(Xem: 1951)
Nhìn chung, chúng ta có thể nói rằng có hai phần trong truyền thừa Barom Kagyu: truyền thừa truyền miệng dài và truyền thừa ngắn của linh kiến sâu xa.
(Xem: 2911)
Khi cặp vợ chồng từ tộc Drenka ở Penyul trở thành cha mẹ tự hào của một người contrai vào năm 1127, họ đặt tên cậu bé theo một Kinh điển:
(Xem: 1978)
Ngài Drapa Ngonshe sinh vào năm Thủy Tý đực (tức năm 1012 Dương lịch) với cha là ông Zhangtag Karwa, người đã đặt tên Ngài là Taktsab.
(Xem: 2343)
Ngài Phakmodrupa Dorje Gyalpo sinh năm 1110 và được nuôi dưỡng bởi cha mẹ nghèo khó ở phía Nam của Kham.
(Xem: 1763)
Từ quan điểm chiêm tinh, tháng Thân linh thiêng tương ứng với tháng 5 Âm lịch Tây Tạng. Ngài Terdak Lingpa[3], em trai[4] và Đức Dalai Lama thứ Năm ...
(Xem: 1654)
Theo các tiểu sử, Bà Mandarava là một công chúa thông tuệ, thiện lành và xinh đẹp, sinh ra trong một gia đình hoàng gia ở Zahor,
(Xem: 2388)
Khandro Tare Lhamo sinh năm Thổ Dần 1938 trong thung lũng Bokyi Yumolung của vùng du mục Golok.
(Xem: 1466)
Sera Khandro Kunzang Dekyong Wangmo sinh ra trong một gia đình giàu có, quyền lực về chính trị ở Lhasa.
(Xem: 2780)
Bà Jetsun Jampa Chokyi sinh vào ngày 30 tháng 12 năm Thủy Tuất (1922). Cha Bà, Sonam Tobgyal, xuất thân từ gia đình...
(Xem: 1821)
Dưới chân đạo sư, con đỉnh lễ. Nhớ về vô thường và cái chết, Đẩy lui bám chấp với đời này và trưởng dưỡng xả ly –
(Xem: 3739)
Đức Riwoche Jedrung thứ bảy – Jampa Jungne sinh năm 1856 trong gia đình Shol Danak của Tu viện Riwoche ở Kham,
(Xem: 2072)
Sau đây là ảnh hưởng từ hành vi của bạn tốt: Đồng hành cùng vị uyên bác giúp tăng trưởng sự thông tuệ. Đồng hành cùng vị bi mẫn giúp đánh thức Bồ đề tâm.
(Xem: 1926)
Thân người tự dothuận duyên này mà con đã có được. Cung cấp nền tảng để đạt được hỷ lạc vĩnh cửu.
(Xem: 2462)
Từng có một học trò, người đến gặp đạo sư để thỉnh cầu chỉ dẫn. Vị đạo sư sắp rời đi và đang vội nhưng Ngài vẫn chấp nhận lời thỉnh cầu.
(Xem: 4418)
Bản văn này được Orgyen Tobgyal Rinpoche mạnh mẽ khuyến khích với những vị mong muốn làm sâu sắc sự hiểu của họ về thực hành Sur[1].
(Xem: 1870)
Đầu tiên trong sáu ba la mật, bố thí ba la mật, không phải chỉ là về trao cho người nghèo.
(Xem: 2780)
Nhìn chung, những điểm then chốt để thấu triệt giáo lý của Phật là: Được thúc đẩy bởi sự xả ly và Bồ đề tâm, Tránh ác hạnhnỗ lực làm các thiện hạnh,
(Xem: 1603)
Đầu tiên, bởi thân người này – sự hỗ trợ cho các phẩm tính của giải thoát – khó được, chúng ta phải hướng các ý nghĩ rời khỏi những vấn đề của đời này.
(Xem: 2498)
Kính lễ đạo sư! Hãy quán chiếu về bốn chủ đề chuyển hóa, quy ytrưởng dưỡng từ, bi và Bồ đề tâm.
(Xem: 2594)
Kính lễ đạo sư! Hãy quán chiếu về bốn chủ đề chuyển hóa, quy ytrưởng dưỡng từ, bi và Bồ đề tâm.
(Xem: 1997)
Liều thuốc giải cho ảo tưởng, bản ngã và từng vấn đề khác mà chúng ta đối mặt là trí huệ của Pháp;
(Xem: 3571)
Khi bắt đầu thiền định, một trong những cách thức để tăng trưởng Bồ đề tâmlòng bi mẫnthực hành cho và nhận
(Xem: 3021)
Thực hành chính yếu mà thầy tiến hành trong tù ngục là Tong-len (cho và nhận). Khenpo Munsel[1] đã trao cho thầy nhiều chỉ dẫn khẩu truyền đặc biệt về Tong-len, điều không có trong bản văn.
(Xem: 1956)
Bardor Tulku Rinpoche sinh năm 1949 ở Kham, miền Đông Tây Tạng. Từ rất nhỏ, Ngài đã được Đức Gyalwang Karmapa thứ 16 công nhậnhóa hiện thứ ba của Terchen Barway Dorje[1].
(Xem: 1985)
Môn đồ Nyingma của Chân ngôn Bí mật nhấn mạnh vào Mật điển thực sự[2]. Họ theo đuổi tri kiến cao nhất và ham thích hành vi ổn định.
(Xem: 2313)
Con đỉnh lễ đạo sư và đấng bảo hộ Văn Thù Sư Lợi! Trước tiên, hãy quy y Tam Bảo,
(Xem: 2020)
Một vị khác đã nghe những chỉ dẫn về cách tiếp cận Dzogchen Đại Viên Mãn từ Adzom Drukpa Rinpoche Drodul Pawo Dorje
(Xem: 1857)
Bopa Tulku Dongak Tenpe Nyima là một đệ tử của Kunpal Rinpoche[2], vị giữ gìn truyền thống thanh tịnh của Jamgon Mipham Rinpoche
(Xem: 2421)
Tôi, Pema Tsewang Lhundrup, đã chào đời trong năm Kim Mùi của chu kỳ lịch thứ mười sáu (tức năm 1931).
(Xem: 2078)
Khunkhen Pema Karpo là một trong những vị tổ dòng Phật giáo Drukpa Kayu ở miền xứ Tuyết.
(Xem: 2122)
Đạo sư vô song, Phật Thế Tôn; Giáo Pháp linh thiêng, thù thắng và chẳng dối lừa;
(Xem: 2529)
Mọi người đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến ý nghĩa của quy y và vì lý do đó, thầy đã thiết kế thẻ quy y mới này.
(Xem: 3601)
Nếu thời gian của con trong khóa nhập thất được sử dụng tốt, con sẽ làm hài lòng chư Phật cùng những vị trưởng tử, giúp hoàn thành...
(Xem: 2171)
Điều này được gửi đến những vị đang trong khóa nhập thất ba năm tại Pháp.
(Xem: 3281)
Sau khi phát khởi Bồ đề tâm trong Mật thừa và thọ nhận một quán đỉnh, người ta bước qua cánh cửa dẫn vào thực hành Mật thừa.
(Xem: 2922)
Một số đạo hữu đã yêu cầu thầy giải thích ý nghĩa của đai thiền định. Nói chung, đai thiền định được sử dụng bởi Tổ Milarepa khi thực hành Sáu Du Già Của Naropa.
(Xem: 5199)
Phật Thế Tôn đã giảng dạy bản văn sau đây, điều đem đến lợi lạc trong thời kỳ đen tối.
(Xem: 2575)
Om Ah Hung. Hôm nay, thầy có được cơ hội tuyệt vời để chia sẻ đôi lời về giới quy y.
(Xem: 3858)
Terton Lerab Lingpa Trinle Thaye Tsal vĩ đại, tức Terton Sogyal, là hóa hiện về thân của Tổ Nanam Dorje Dudjom[1], hóa hiện về khẩu của Kim Cương Hợi Mẫuhóa hiện về ý của Đại Sư Liên Hoa Sinh.
(Xem: 5263)
Hôm nay, chúng ta đều đã đến Vườn Cấp Cô Độc ở thành Xá Vệ, Ấn Độ, vùng đất của chư Thánh giả, nơi đã được cúng dường lên Đức Phật.
(Xem: 3810)
Điều đầu tiên mà bạn cần hiểu là mọi hữu tình chúng sinh đang sống trên thế giới này – ‘hữu tình chúng sinh của tam giới của sự tồn tại’ – là một sản phẩm của tâm.
(Xem: 2719)
Khi chúng ta nhìn vào hiện tượng vật chất trong thế giới này, chúng ta thấy rằng tất cả mọi sự vật hiện tượng xảy ra đều có nguyên nhân của nó.
(Xem: 2460)
Guru Rinpoche chào đời tám năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Khi Đức Phật nhập diệt, Ngài sách tấn các đệ tử hãy hoan hỷ bởi Ngài sẽ trở lại là Guru Rinpoche.
(Xem: 2669)
Gần đây, nhiều người hỏi về Khandro Rinpoche tôn quý và những hoạt động tâm linh của Bà.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant