Nếu thời gian của con trong khóa nhập thất được sử dụng tốt, con sẽ làm hài lòng chư Phật cùng những vị trưởng tử, giúp hoàn thành tầm nhìn của Đạo Sư Tôn Quý xứ Oddiyana và gieo trồng hạt giống của sự thịnh vượng và thành công cho đời này và các đời tương lai. Điều này đặc biệt đúng trong truyền thừa Giáo Pháp này của chúng ta, trong đó, những Đấng Toàn Tri trước và sau[2] cùng nhiều vị Trì Minh, những vị đã đạt đến các địa, hướng tâm trí tuệ và dâng những lời cầu nguyện mạnh mẽ và mang tính tiên tri. Thậm chí hiện nay, dòng ân phước gia trì của chư vị vẫn chưa suy giảm và kết quả là, người ta nói rằng, sự nhập thất của con sẽ được thấm nhuần sự cát tường và ân phước gia trì và mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp.
Trái lại, nếu con không sử dụng thời gian một cách tốt đẹp thì mục đích của việc ở trên núi non và chỉ có chim hoang là hàng xóm là gì?
Hãy khuyên nhủ và động viên bản thân, chỉnh sửa lại hành vi của mình và quyết tâm hoàn thành nhập thất như con vốn dự định. Đừng suy xét các dự án tương lai, dự định điều này hay điều kia; cũng đừng bận tâm đến hạnh phúc hay khổ đau, thịnh vượng hay suy giảm. Thay vào đó, hãy để tâm con vô cùng thư giãn và thoải mái, cởi mở, thênh thang và tự tại.
Thực hành như vậy với sự tinh tấn, hãy thấy rằng kiểm tra xem liệu con có đang đi theo dấu chân của chư Phật trong quá khứ là một phương pháp cải thiện chứ không phải gánh nặng. Nếu con làm vậy, mong muốn duy trì trong nhập thất sẽ chỉ tăng cường, kinh nghiệm của con sẽ ngày càng hoan hỷ và nguyện ước của con sẽ tăng trưởng. Cuối cùng, sự hành trì của con chắc chắn sẽ trổ quả.
Adam Pearcey chuyển dịch Tạng-Anh năm 2007.
Nguồn Anh ngữ: https://www.lotsawahouse.org/tibetan-masters/dodrupchen-III/retreat-advice.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Theo Rigpawiki, Dodrupchen Jigme Tenpe Nyima, vị Dodrupchen Rinpoche thứ ba (1865-1926) – một trong những đạo sư Tây Tạng xuất sắc nhất thời ấy và là đạo sư của nhiều đạo sư vĩ đại, bao gồm Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro. Ngài được Đức Dalai Lama vô cùng kính trọng, vị gọi Ngài là “học giả vĩ đại và Yogi xuất chúng”. Các trước tác của Ngài là một trong những cội nguồn chính yếu được Đức Dalai Lama sử dụng trong các nghiên cứu cá nhân về Đại Viên Mãn Dzogchen và Đức Dalai Lama thường xuyên trích dẫn Ngài trong lúc giảng dạy.
[2] Tức Tổ Longchenpa và Jigme Lingpa.