Holly Gayley [1]
Pema Jyana
Khandro Tare Lhamo sinh năm Thổ Dần 1938 trong thung lũng Bokyi Yumolung của vùng du mục Golok. Cha Bà là Terton (vị phát lộ kho tàng) lỗi lạc của gia đình Apang, vị được gọi là Apang Terchen Pawo Choying Dorje (1895-1945), tức Orgyen Trinle Lingpa. Mẹ Bà, Damtsik Drolma, là con gái của một vị thủ lĩnh địa phương và được công nhận là hóa hiện về khẩu của Đức Bà Yeshe Tsogyal.
Vô số tiên tri liên quan đến sự chào đời của Bà Tare Lhamo được đưa ra bởi những vị lỗi lạc như Dudjom Rinpoche Jigdral Yeshe Dorje (1904-1987)[2]. Dựa trên những tiên tri như vậy, Bà Tare Lhamo được công nhận khi còn nhỏ là hóa hiện của hai nhân vật trong vùng thuộc thế hệ trước, một nam và một nữ, lần lượt là Tra Gelong Tsultrim Dargye (1866-1937) và Sera Khandro (1892-1940)[3], vị cũng được biết đến là Uza Khandro Dewe Dorje. Sự công nhận thứ hai là hơi lạ thường, bởi Sera Khandro vẫn chưa viên tịch cho đến hai năm sau khi Bà Tare Lhamo chào đời. Không có ghi chép nào về việc Bà Tare Lhamo thọ nhận hay trao truyền các giáo lý của những vị này, cũng như việc Bà được chính thức tấn phong là một hóa hiện của vị nào. Khi còn là một đứa bé, Bà nhận được một vài trong số những tài sản của Tra Gelong và được mời đến rèn luyện tại Tu viện của Ngài như một vị Ni. Tuy nhiên, Bà từ chối và quyết định sống như một chủ hộ và tiếp tục sống cùng gia đình. Giống như mẹ, Bà cũng được xác nhận là một hóa hiện của Đức Bà Yeshe Tsogyal.
Thời trẻ, Bà nghiên cứu với cha – Apang Terchen, thậm chí phát lộ một kho tàng với cha khi còn là một đứa bé. Từ Ngài, Bà thọ trao truyền cho Nyingtik Yabshi và toàn bộ các phát lộ kho tàng của Ngài trước khi Ngài viên tịch vào năm 1945, khi Bà chỉ mới chín tuổi (theo cách tính Tây Tạng, tám tuổi theo tiêu chuẩn quốc tế). Theo phong tục Nyingma phổ biến của việc trao truyền giáo lý qua gia đình, Bà Tare Lhamo cùng các anh em trai trở thành những vị nắm giữ truyền thừa của cha. Các anh em trai của Bà, tất cả đều được công nhận là những đạo sư tái sinh, là Gyurme Dorje (sinh năm 1928), Wangchen Nyima (sinh năm 1931) và Thubten Chokyi Nyima (sinh khoảng năm 1939). Ngài Wangchen Nyima tiếp nối cha, trở thành người đứng đầu của Tsimda Gompa, Tu viện mà Apang Terchen thành lập năm 1925 ở Markhok trong Hạt Padma của Golok.
Trong phần còn lại của thời trẻ và đầu tuổi trưởng thành, Bà Tare Lhamo du hành cùng mẹ – Damtsik Drolma, đến các thánh địa ở Golok và thọ nhận giáo lý từ những đạo sư lỗi lạc thời ấy. Hai vị thầy chính yếu của Bà là Dodrubchen Rinpoche thứ tư – Rigdzin Jalu Dorje (1927-1961) và Dzongter Kunzang Nyima (1904-1958), cháu nội và cũng là hóa hiện về khẩu của vị Terton lừng danh – Dudjom Lingpa (1835-1904). Từ Ngài Rigdzin Jalu Dorje, Bà thọ nhận những chỉ dẫn khẩu truyền về Nyingtik Yabshi. Từ Dzongter Kunzang Nyima, Bà thọ quán đỉnh, sự cho phép và chỉ dẫn cho toàn bộ kho tàng của Ngài, cũng như của Dudjom Lingpa, và Ngài bổ nhiệm Bà là vị trông giữ kho tàng (chodak) cho pho Yeshe Tsogyal của Ngài. Từ trẻ, theo tiểu sử của Bà, Bà đã bắt đầu phát lộ các kho tàng dưới dạng những giỏ và cuộn kinh vàng.
Năm hai mươi tuổi (theo cách tính Tây Tạng), Bà gia nhập khu trại của Dzongter Kunzang Nyima ở Rizab và kết hôn với con trai của Ngài, Mingyur Dorje (1934-1959), tức Pema Osel Nyingpo. Trong khoảng thời gian ngắn bên nhau, họ có một người con trai, Wangchuk Dorje, thường được gọi là Tulku Ngaro. Trong quá trình biến đổi cộng sản ở Golok vào cuối những năm 1950, theo luật lệ của Cộng sản Trung Quốc, Tulku Milo và ba anh em trai của Bà Tare Lhamo bị giam giữ, cùng với nhiều nhân vật tôn giáo khác, nơi mà cuối cùng họ đều qua đời. Bà Tare Lhamo không bị giam cầm, có lẽ bởi giới tính, cũng như nhiều đạo sư trẻ tuổi hơn, những vị chỉ là thiếu niên khi ấy. Lúc bắt đầu Cách mạng Văn hóa (1966-76), con trai Bà qua đời vì bệnh tật và sau đấy, mẹ Bà cũng qua đời vì tuổi cao, để lại Tare Lhamo đơn độc.
Năm 1978, Bà Tare Lhamo khởi xướng một sự hợp tác với Namtrul Rinpoche Jigme Phuntsok (1944-2011), một đạo sư kém Bà sáu tuổi, vị sống ở vùng biên giới của Hạt Serta thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Sau hơn một năm trao đổi thư từ, Bà rời quê nhà Hạt Padma thuộc tỉnh Thanh Hải để đến gia nhập cùng với Namtrul Rinpoche ở Serta, nơi mà hai vị sống cùng nhau đến khi Bà qua đời vào năm 2002. Cùng nhau, họ xây dựng lại Tu viện Nyenlung ở quê nhà của Namtrul Rinpoche, cùng với Rigdzin Nyima, một đạo sư đã giữ địa điểm này như một ẩn thất và sống gần bên hai vị. Mặc dù Bà Tare Lhamo từ bỏ đặc quyền là người đứng đầu của Tsimda Gompa bằng cách rời Hạt Padma, Bà và Namtrul Rinpoche vẫn tiếp tục là những vị thầy căn bản ở đó, và Bà đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lại Tu viện.
Năm 1980, Khenpo Jigme Phuntsok (1933-2004)[4] ban cho Bà Tare Lhamo và Namtrul Rinpoche trao truyền về tuyển tập kho tàng của Apang Terchen, điều mà Bà vốn đã thọ trực tiếp từ cha khi còn là một đứa bé, và khuyến khích họ truyền bá rộng khắp. Sau đấy năm 1986, Ngài cho phép họ trở thành Terton và ban trao truyền cho tuyển tập kho tàng của Lerab Lingpa (1856-1926)[5], tiền thân của chính Ngài. Năm 1987, Bà Tare Lhamo và Namtrul Rinpoche gia nhập đoàn tùy tùng khoảng 10.000 người của Ngài trong chuyến hành hương lịch sử đến Ngũ Đài Sơn, thánh địa của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ở tỉnh Sơn Tây, nơi mà hai vị đã phát lộ một nghi quỹ Diệu Âm Sarasvati.
Năm 1990, Dola Chokyi Nyima Rinpoche ban cho họ trao truyền về tuyển tập kho tàng của cha Ngài – Dudjom Rinpoche Jigdral Yeshe, và cho phép họ truyền bá chúng. Không lâu sau, Bà Tare Lhamo thu hút sự chú ý quốc tế khi công nhận con trai của Ngài Dola Chokyi Nyima là một trong hai vị tái sinh của Dudjom Rinpoche.
Trong suốt thập niên 80 và 90, Bà Tare Lhamo và Namtrul Rinpoche đã phát lộ các kho tàng cùng nhau và giảng dạy rộng rãi, khắp vùng Golok và hơn thế. Về sự giảng dạy, hai vị đã nắm giữ và trao truyền ba tuyển tập kho tàng chính yếu: tuyển tập kho tàng của chính hai vị trong mười hai quyển, tuyển tập của cha Bà – Apang Terchen trong mười sáu quyển, và của Đức Jigdral Yeshe Dorje. Hai vị đã tổ chức một Pháp hội thường niên tại Nyenlung mỗi mùa hè, thu hút hơn một nghìn môn đồ tham dự kể từ những năm 90, và đóng vai trò là vị quản lý cho nhiều Tu viện khác ở Golok và các vùng lân cận, giúp gây quỹ cho các dự án tái thiết, tài trợ nghi lễ và thiết lập thực hành nghi lễ, trong khi thường xuyên viếng thăm để giảng dạy. Hai vị cũng đặc biệt yêu thích và thúc đẩy sử thi Gesar.
Cuối năm 2000, Bà Tare Lhamo lâm bệnh và năm sau, Bà được chẩn đoán mắc một căn bệnh, điều có lẽ là ung thư thực quản. Các biện pháp khác nhau về nghi lễ và thực tiễn được thực hiện để cố gắng chữa lành, bao gồm cả việc dành thời gian ở các bệnh viện tại Barkham và Thành Đô. Bà qua đời vào ngày 6 tháng 3 năm 2002 ở Thành Đô và nhục thân Bà được đưa về Nyenlung không lâu sau để cử hành tang lễ thích hợp. Namtrul Rinpoche tiếp tục quản lý và phát triển cộng đồng tâm linh trong gần một thập niên cho đến khi qua đời vào ngày 7 tháng 11 năm 2011.
Truyền thừa Giáo Pháp của Bà Tare Lhamo và Namtrul Rinpoche được trao lại cho con trai của Ngài – Tulku Lhaksam, vị hiện là người đứng đầu của Tu viện Nyenlung và là vị trì giữ truyền thừa cho các giáo lý kho tàng của hai vị và của Apang Terchen. Bên cạnh việc là tái sinh của Đức Zhichen Kunzang Nyima, Tulku Lhaksam cũng được xem là vị tái sinh của Tulku Ngaro, người con trai đã chết trẻ của Bà Tare Lhamo. Ngày nay, di cốt của Bà Tare Lhamo và Namtrul Rinpoche được thờ bên cạnh nhau trong một phòng thờ trong khuôn viên gia đình ở Nyenlung.
Nguồn Anh ngữ: https://treasuryoflives.org/biographies/view/Tare-Lhamo/8651.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Holly Gayley là Giáo Sư Trợ Lý (Assistant Professor) trong Phòng Nghiên Cứu Tôn Giáo tại Đại Học Colorado, Boulder.
[2] Về Dudjom Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a35008/tieu-su-van-tat-dudjom-rinpoche-jigdral-yeshe-dorje-1904-1987-.
[3] Về Sera Khandro, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a36670/tieu-su-van-tat-duc-sera-khandro-kunzang-dekyong-wangmo-1892-1940-.
[4] Về Khenpo Jigme Phuntsok, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a27321/tieu-su-van-tat-duc-kyabje-jigme-phuntsok-rinpoche.
[5] Về Lerab Lingpa, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a35557/tieu-su-van-tat-terchen-lerab-lingpa-terton-sogyal-1856-1926-.
- Tag :
- Holly Gayley
- ,
- Pema Jyana